Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các bến xe quá tải vì khách đổ xô về Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 10h sáng ngày 21/2 (Mùng 8 tháng Giêng), bến xe Mỹ Đình chật kín bởi biển người và xe. Khu vực đỗ xe thường ngày tại bến đã được mở rộng ra phía ngoài nhưng vẫn không “gánh” nổi lượng xe lớn đột biến ngày hôm nay.

KTĐT - 10h sáng ngày 21/2 (Mùng 8 tháng Giêng), bến xe Mỹ Đình chật kín bởi biển người và xe. Khu vực đỗ xe thường ngày tại bến đã được mở rộng ra phía ngoài nhưng vẫn không “gánh” nổi lượng xe lớn đột biến ngày hôm nay. Nhiều xe vào bến nhưng không có chỗ đậu phải nối đuôi nhau nằm dài trên con đường phía sau bến.

Sau 1 tuần nghỉ Tết, các bến xe lớn tại Hà Nội lại phải gồng mình đón hàng nghìn lượt khách trở lại Thủ đô. Tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên..., từng đoàn dài xe khách lũ lượt nối đuôi nhau về bến. Nhà chờ của các bến xe đều chật ních người.

“Nghẽn” người cả trong lẫn ngoài bến

10h sáng ngày 21/2 (Mùng 8 tháng Giêng), bến xe Mỹ Đình chật kín bởi biển người và xe. Khu vực đỗ xe thường ngày tại bến đã được mở rộng ra phía ngoài nhưng vẫn không “gánh” nổi lượng xe lớn đột biến ngày hôm nay. Nhiều xe vào bến nhưng không có chỗ đậu phải nối đuôi nhau nằm dài trên con đường phía sau bến.

Phía cửa chính của bến, hàng ngàn người chen chúc, ai cũng rảo bước mong nhanh chóng thoát khỏi bể người chật như nêm.

Hai bên hông của bến xe Mỹ Đình, dòng xe khách ra vào kết hợp với la liệt xe máy đứng đợi người nhà khiến con đường nhỏ nơi đây kẹt cứng. Tiếng còi xe inh ỏi “hợp tấu” cùng tiếng lái xe, phụ xe om sòm làm cả khu vực bến xe vô cùng nhốn nháo.

Tình trạng quá tải này cũng dễ dàng nhận ra tại bến xe Giáp Bát. Không những chật ních người trong bến, phía đường dành cho người nhà chờ khách cũng “phình” rộng ra lòng đường Giải Phóng với từng hàng dài xe máy, xe đạp.

Vứt phịch túi đồ lỉnh kỉnh xuống đất, chị Thanh Hà (Việt Trì) thở phào: “Mọi năm tôi vẫn lên trước ngày đi làm 2, 3 hôm cho đỡ đông. Năm nay bận việc nên sát ngày mới đi được, ai ngờ đông đến mức này, cả tuyến hầu như phải đứng vì không có chỗ ngồi”.

Tuy nhiên, hành khách đi xe những ngày này không chỉ “ngạt thở” bởi biển người đổ về Hà Nội mà còn bởi giá vé cắt cổ trên hầu hết các tuyến.

Vừa xuống xe tuyến Phú Thọ-Hà Nội, chị Hoài bức xúc kể lại, bình thường chị vẫn đi từ Phú Thọ xuống Hà Nội với giá chỉ 50.000 đồng nhưng hôm nay chị đã phải trả gấp đôi mức giá này.

“Vẫn biết giá vé sau Tết sẽ tăng nhưng tăng 100% như thế thì quá đáng vô cùng. Xe thì đông, chen chúc nhau. Vậy mà vẫn phải cắn răng lên xe vì mai phải đi làm rồi,” chị Hoài hậm hực.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại hầu hết các chuyến xe khách khác. Gặp anh Dũng tại bến xe Giáp Bát, anh cho biết, giá vé tuyến Thanh Hóa-Hà Nội hôm nay cũng đã vọt lên 100.000 đồng.

“Ngày thường, chỉ 60.000 đồng là đã thoải mãi trên xe chất lượng cao rồi. Tính ra, hôm nay giá tăng gần gấp đôi,” anh Dũng vội vã nói trước khi lên xe buýt.

Xế ôm, taxi tha hồ tung hoành

Cổng bến xe Giáp Bát phía đường Giải Phóng sáng nay bị “phục kích” bởi vô vàn xe ôm, taxi. Mặc cho Công an vã mồ hôi "bắt" những xe ôm dừng đón khách sai quy định, nhưng chỉ trực có kẽ hở là cánh xe ôm tranh thủ “tác nghiệp” ngay. Phía ngoài bến, nhiều lái xe thậm chí còn bỏ xe ở lề đường, chạy đuổi theo khách chèo kéo bằng được.

Đi sâu vào bên trong, cánh xe ôm càng hoạt động ráo riết. Nhiều xế ôm còn "kiếm khách" theo hội. Người  ở ngoài trông xe, kẻ “đột kích” vào tận trong bến để mời khách. Chính vì thế mới có cảnh cánh xe ôm tranh nhau gọi với khách qua cửa kính khi hành khách vẫn còn ngồi trên ôtô vào bến.

Tay xách lỉnh kỉnh valy lớn nhỏ, anh Hùng được một phen hú hồn bởi vòng vây của cánh xe ôm.

“Tôi phải khó khăn lắm mới xuống được xe, chỉ sợ mất đồ đạc vì bị xe ôm quây kín,” anh Hùng phàn nàn.

Khách xuống được xe vẫn chưa thoát, đầy rẫy cả sân trước và sân sau bến xe đều bị bao vây bởi cánh xe ôm, taxi đã trực sẵn.

Góp cùng với mức giá trên trời của cánh xe khách, lực lượng xe ôm cũng có một  ngày “chặt chém” khách khá “nhiệt tình”.

Gặp chị Thương tại điểm chờ xe buýt đối diện bến xe Mỹ Đình, chị bức xúc kể lại, nhà chị ở ngay Mai Dịch, cách bến xe chưa đầy 3 km nhưng mấy chiếc xe ôm chị hỏi đều hét giá tới 35.000 nghìn đồng.

“Với mức giá này, tôi thà đợi xe buýt còn hơn,” chị Thương chia sẻ.

Không kiên quyết như chị Thương, anh Sỹ Hùng, nhà trên đường Huỳnh Thúc Kháng đành cắn răng chấp nhận mức giá 60.000 đồng cho quãng đường từ bến xe Mỹ Đình về nhà.

“Thôi thì đầu năm, đành chấp nhận bị ‘chém’ để về nhà cho sớm,” anh Hùng ngao ngán nói./.