Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các địa phương chủ động đổ ải sớm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các tỉnh phía Bắc đang gấp rút triển khai mọi phương án đối phó hạn hán. Nhiều địa phương đã không chờ lịch xả nước đổ ải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mà chủ động đổ ải sớm hơn.

KTĐT - Các tỉnh phía Bắc đang gấp rút triển khai mọi phương án đối phó hạn hán. Nhiều địa phương đã không chờ lịch xả nước đổ ải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), mà chủ động đổ ải sớm hơn.

Tiết kiệm nước là... hàng đầu

Năm nay, tỉnh Nam Định có 80.000ha lúa đông xuân cần đổ ải, trong đó có tới trên 37.000ha lúa có nguy cơ bị hạn nặng. Lường trước diễn biến thất thường của thời tiết và nguy cơ hạn hán đang hiển hiện, ngành nông nghiệp Nam Định đã tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ xuân, sẽ gói gọn việc gieo cấy vụ xuân trong tháng 2.2011 nhằm tránh thời điểm hạn nặng.

Ở huyện Tam Nông (Phú Thọ), rút kinh nghiệm ở đợt hạn hán vụ đông xuân 2009-2010, năm nay, huyện đã chỉ đạo các xã, các trạm thủy nông sửa chữa kênh mương, tranh thủ dự trữ và tích nước tối đa vào các hồ đập, quản lý chặt chẽ nguồn nước hiện có, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả, không tháo nước để đánh cá; đóng toàn bộ các cống tiêu từ đồng ra sông để tạo nguồn nước tưới, chỉ cho phép tháo nước có kiểm soát để làm mạ.

Vụ đông xuân 2011 ở các xã của huyện Kim Sơn (Ninh Bình) phải tiến hành trong điều kiện cực kỳ khó khăn về nguồn nước. Ông Trần Văn Công - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kim Sơn cho biết: Các hợp tác xã phải tổ chức bơm tát bằng các loại máy bơm dã chiến, bơm dầu, gầu... chủ động tối đa nguồn nước hiện có, tránh việc phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước từ thượng nguồn điều tiết về.

Tận dụng mọi nguồn nước

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Bắc Ninh, 100% diện tích sản xuất lúa đông xuân của tỉnh sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào bơm cấp động lực trực tiếp từ sông Hồng. Do khó điều tiết nước cho các vùng xa kênh mương, sông và hồ chứa, nên Bắc Ninh đã lên kế hoạch xây dựng sớm một loạt các trạm bơm chính và trạm bơm dã chiến. Các trạm bơm này sẽ bơm nước vào kênh chìm, ao hồ và vùng trũng. Kinh phí cho việc đối phó với hạn hán vụ đông xuân ước tính khoảng 70 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, vụ chiêm xuân năm 2011, toàn Thanh Hóa sẽ gieo cấy 118.000ha, trong đó có khoảng 25.000 - 30.000ha sẽ gặp khó khăn trong việc gieo cấy do thiếu nước sản xuất. Ông Đỗ Văn Kỷ - Phó phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Thanh Hóa) cho biết: "Tỉnh cũng đã có kế hoạch chặn sông Mã tại trạm bơm Kiều (Yên Định), nhằm nâng cao trình dòng chảy, đáp ứng đủ nhu cầu nước cho các trạm bơm chính trên sông Mã”.

Năm 2010, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) đã đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng để xây dựng và cải tạo các công trình thủy lợi và kiên cố hóa 3,5km kênh mương nội đồng. Ông Dương Văn Hiến - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phổ Yên cho biết: Để công tác phòng chống hạn vụ xuân 2011 đạt hiệu quả, huyện sẽ tiến hành kiểm tra sử dụng nước, tích nước tại các hồ đập, tránh sử dụng lãng phí, sai mục đích. Đồng thời khuyến khích bà con sử dụng các nguồn nước ở các ao hồ tự nhiên, nước giếng khoan, giếng khơi để tưới cho cây trồng.