Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng tại buổi họp, đến 11 giờ ngày 16/7, đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.422 phương tiện, 498 lồng bè với 996 lao động, 95 chòi canh cùng 100 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến biết thông tin về bão để chủ động phòng tránh.
Tại Bạch Long Vỹ có 305 phương tiện, 454 lao động đang neo đậu trong âu cảng và có khoảng 195 phương tiện hoạt động cách đảo từ 1-15 hải lý đang di chuyển vào đảo trú tránh.
UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ cơn bão số 2 sắp tới, trong đó lưu ý sớm đưa các phương tiện lưu thông trên sông biển về nơi neo đậu trú bão kịp thời.
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cũng đã nêu rõ đây là cơn bão mạnh, dự kiến sẽ đổ bộ vào khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh từ đêm 18 và sáng sớm ngày 19/7 và vào thời điểm triều cường, vì vậy, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị khẩn trương thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại Công điện số 10/CĐ-CT và một số nhiệm vụ cụ thể như công tác di chuyển tàu thuyền, sơ tán lồng bè về nơi trú tránh hoàn thành trước 18 giờ ngày 18/7.
Yêu cầu dừng các hoạt động vận chuyển khách du lịch, bến phà, phương tiện đường thuỷ nội địa từ 18 giờ ngày 18/7; tổ chức sơ tán người ở các khu vực xung yếu, trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản hoàn thành trước 18 giờ ngày 18/7.
Các lực lượng ứng trực sẵn sàng thực hiện biện pháp phòng chống, khắc phục hậu quả bão, mưa lớn có thể xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vận tư phương tiện tại chỗ; kiểm tra, rà soát đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá tại các khu vực dân cư khu vực chân đồi núi, mỏ đất đá (Thủy Nguyên, Cát Bà, Kiến An, Đồ Sơn).
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện công tác phòng, chống bão và tổng hợp tình hình trong các báo cáo tiếp theo.
Còn tại Thanh Hóa, tính đến 16 giờ ngày 16/7, vẫn còn 62 phương tiện tàu thuyền cùng 328 lao động đang hoạt động trên biển của tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa liên lạc được với đất liền.
Hiện Văn phòng thường trực tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương tìm cách liên lạc với 62 phương tiện kể trên, đồng thời kêu gọi các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.
Trước tình hình cơn bão Rammasun (bão số 2) đang có dấu hiệu là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh và diễn biến bất thường, Văn phòng thường trực Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã liên lạc được với 5.730 phương tiện đang hoạt động trên biển, trong đó có 4.355 phương tiện hoạt động gần bờ, các phương tiện này đang trên đường về vùng biển Thanh Hóa.
Số còn lại là 1.375 phương tiện đánh bắt xa bờ chủ yếu hoạt động trên vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh... cũng đang chủ động di chuyển khỏi vùng nguy hiểm hoặc tìm nơi trú tránh an toàn.
Tại khu vực sáu huyện ven biển của Thanh Hóa có tổng số 2.156 chòi canh và lồng bè của nhân dân đang sử dụng để trông coi, nuôi trồng thủy, hải sản, các Đồn Biên phòng đang phối hợp với địa phương kêu gọi số lao động nói trên vào bờ và không được ngủ trên các chòi canh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Trước đó, tỉnh Thanh Hóa đã có công điện đến sáu huyện, thị xã ven biển Thanh Hóa thông báo diễn biến của cơn bão Rammasun để chính quyền địa phương hướng dẫn các phương tiện chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
Lực lượng chức năng hướng dẫn cho các tàu đã vào bờ neo đậu, tránh trú ở khu vực an toàn, tránh tình trạng bị va đập khi bão độ bộ vào đất liền.
Tại huyện miền núi Bá Thước, Công ty cổ phần thủy điện Hoàng Anh Gia Lai tại Thanh Hóa đã tiến hành xả lũ hồ chứa thủy điện Bá Thước II từ cao trình 41m xuống dưới 40m nhằm đảm bảo an toàn cho hồ đập, đề phòng có mưa lớn phía thượng nguồn.
Tàu thuyền vào trú bão.
|