Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 13/12. Số liệu của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho thấy, theo quy hoạch phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2030, các công trình điện cần nguồn vốn lên đến 123,8 tỷ USD, trong đó, giai đoạn 2011 -2020 là 48,8 tỷ USD, giai đoạn 2021 - 2030 là 75 tỷ USD, bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD vốn đầu tư. Ông Cát Quang Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết: Mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại bố trí đủ vốn cho các dự án điện trọng điểm quốc gia. Tính đến 30/9/2013, dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 144.000 tỷ đồng. Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Mặc dù ngân hàng đã có sự ưu tiên nhất định trong việc bố trí nguồn vốn cho các dự án điện nhưng thực tế việc tiếp cận nguồn vốn vay trong nước và quốc tế không hề dễ dàng. Nguyên nhân là do hầu hết các dự án điện ở Việt Nam có vốn đầu tư rất lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn dài, khả năng trả nợ gốc và lãi hạn chế. Bên cạnh đó vốn tự có của EVN chỉ đáp ứng được 20 - 30% tổng mức đầu tư cho các dự án điện, còn lại chủ yếu là vốn vay. Điều đó dẫn đến khó thu hút được nhà đầu tư.Ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN cũng thừa nhận, hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng. Vì vậy, mỗi khi ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, tình trạng trên có nguyên nhân không nhỏ do thời gian từ khi bắt đầu triển khai để đàm phán ký kết đến khi hợp đồng có hiệu lực giải ngân tương đối dài làm ảnh hưởng đến nhu cầu giải ngân của dự án.Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ nên tiếp tục ưu tiên nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cho các dự án điện. Đồng thời cho phép các ngân hàng cho EVN vay vốn nhưng không bị giới hạn ở tỷ lệ phải có 15 - 25% vốn đối ứng. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá lại quy hoạch điện nhằm cân đối tiến độ đầu tư của các dự án, tránh đầu tư dàn trải. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục về đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư để đảm bảo tiến độ các dự án điện, qua đó thu hút các ngân hàng thương mại cho vay.