Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các loại thảo dược phòng bệnh đau mắt đỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cúc hoa có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán phong minh mục.

KTĐT - Cúc hoa có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán phong minh mục. Cúc hoa được dùng 8 g-12 g, mỗi ngày sắc riêng hoặc chung với thảo quyết minh sao đen (cùng lượng) chữa đau mắt đỏ, quáng gà, chảy nhiều nước mắt, huyết áp cao, nhức đầu, đinh độc, mụn nhọt.

Diếp cá có vị cay chua, lạnh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, sát trùng, được dùng chữa đau mắt đỏ, nhặm mắt, mắt đổ nhiều ghèn xanhBệnh đau mắt đỏ hay viêm kết mạc là một bệnh rất phổ biến. Bệnh lây lan rất nhanh trong cộng đồng, nhất là khi người bệnh trong trường học, bệnh viện, công xưởng, lúc đó bệnh dễ phát thành dịch.

Theo dược sĩ Lê Kim Phụng, Đại học Y Dược TPHCM, để tăng tác dụng thanh nhiệt giải độc cho cơ thể, có thể dùng thêm nước sắc từ một số thảo dược thiên nhiên, hỗ trợ phòng ngừa trong trường hợp bệnh đau mắt đỏ.

Cúc hoa (còn gọi là kim cúc, hoàng cúc): Hoạt chất là adenine, cholin, vitamin A và tinh dầu. Cúc hoa có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán phong minh mục. Cúc hoa được dùng 8 g-12 g, mỗi ngày sắc riêng hoặc chung với thảo quyết minh sao đen (cùng lượng) chữa đau mắt đỏ, quáng gà, chảy nhiều nước mắt, huyết áp cao, nhức đầu, đinh độc, mụn nhọt.

Chó đẻ răng cưa: Đông y gọi là diệp hạ châu, theo các tài liệu nghiên cứu, trong chó đẻ răng cưa có chứa axit phenolic và flavonoit có tác dụng diệt khuẩn và diệt nấm rất rõ rệt. Ngoài ra, còn chiết xuất được một tinh chất có tên là coderaxin được dùng điều chế thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt, có tác dụng diệt một số vi khuẩn chủ yếu là các mầm bệnh đối với mắt, mỗi ngày sắc uống 8 g - 16 g cây khô hoặc 20 g-40 g cây tươi. Chó đẻ răng cưa còn được dùng làm thuốc chữa đau gan, đau thận, bệnh đường tiết niệu, lỵ, phụ nữ ứ huyết sau sinh.

Dành dành: Dùng quả chín (đông y gọi là chi tử) có chứa glycoside tên là gardenin, có tác dụng làm giảm lượng sắc tố mật trong máu và có tính kháng sinh đối với một số vi trùng. Theo y học cổ truyền, chi tử có vị đắng, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt tả hỏa, lương huyết, chỉ huyết, tiêu viêm.

Được dùng 6 g - 12 g hạt (bỏ vỏ quả) sắc uống chữa sốt cao khát nước, viêm gan vàng da, hỏa bốc lên đầu gây nhức đầu, mắt đỏ, tiểu tiện ít, mụn nhọt.

Mã đề: Dùng thân lá và hạt, hoạt chất là aucubin, ngoài ra còn có chất đắng, caroten, vitamin C, K, trong hạt còn chứa nhiều chất nhầy, adenine, cholin. Theo y học cổ truyền, mã đề có vị ngọt, tính mát, có tác dụng lợi thủy, thông lâm, thanh nhiệt giải độc, làm sáng mắt.

Được dùng mỗi ngày 16 g-20 g thân lá khô hoặc hạt khô sắc nước uống chữa đau mắt đỏ hoặc mắt nhặm có màng sưng tấy và viêm đỏ. Mã đề còn chữa tiểu tiện bế, sỏi thận, phù thũng, ho lâu ngày, viêm khí quản, các bệnh mụn nhọt.

Thảo quyết minh: Còn gọi là hạt muồng ngủ, dùng hạt già phơi khô sao đen. Trong hạt có chứa anthraglycosit, khi sao lên thì chất này bay đi, chất béo và protit trong hạt sẽ tạo thành một mùi thơm như mùi cà phê. Theo y học cổ truyền, thảo quyết minh có vị mặn, tính bình, vào 2 kinh can và thận, tác dụng thanh can, ích thận, khử phong, sáng mắt, nhuận tràng.

Được dùng để chữa bệnh mắt đỏ, mắt có màng mộng, chảy nhiều nước mắt, từ lâu dân gian quen dùng hạt thảo quyết minh để chữa bệnh đau mắt nên được đặt tên là quyết minh (quyết: mắt, minh: sáng), với liều 5 g-10 g/ngày, dạng thuốc sắc, thuốc bột hay viên, dùng riêng hoặc phối hợp chung với cúc hoa (cùng lượng) sắc uống.

Ngoài công dụng tốt cho mắt, thảo quyết minh còn trị cao huyết áp, nhức đầu, hoa mắt và lợi tiểu. Bài thuốc chữa đau mắt, nhức đầu: thảo quyết minh 15 g, long đởm thảo 3 g, hoàng bá 5 g, 300 ml nước, sắc nhỏ lửa cạn còn 150 ml, chia 3 lần uống trong ngày.

Diếp cá: Rau này còn có tên là dấp cá, rau dấp. Toàn cây có tinh dầu metylnonyxeton, flavonoit là quexetin và một ancaloit là cordalin.

Diếp cá có vị cay chua, lạnh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thũng, sát trùng, được dùng chữa đau mắt đỏ, nhặm mắt, mắt đổ nhiều ghèn xanh, mỗi ngày sắc 6 g-12 g lá khô uống hoặc giã nát 20 g-40 g lá tươi lọc lấy nước uống. Ngoài công dụng trên, diếp cá còn được dùng chữa trĩ, viêm ruột, kiết lỵ, phụ nữ kinh nguyệt không đều.

Tăng đề kháng cho mắt bằng chế độ ăn

Để phòng bệnh đau mắt đỏ trong khi dịch đau mắt đỏ đang lây lan rất nhanh, dược sĩ Lê Kim Phụng khuyên mọi người nên bảo đảm tốt vệ sinh cá nhân.

Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nên ăn những loại thực phẩm chứa nhiều carotene, vitamin A tốt cho mắt như bí đỏ, cà rốt, cà chua, đu đủ, gấc, trứng, sữa, dầu gan cá.

Để tăng sức đề kháng, cơ thể cần vitamin C có trong cam, chanh, xơ ri, dâu tây... Ngoài ra cũng nên ăn các chất đạm và bổ sung các khoáng tố vi lượng như canxi, magie, kẽm...