Các nước phản ứng thế nào với quyết định sa thải Ngoại trưởng của ông Trump?

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà phê bình đã tỏ ra thất vọng với quyết định sa thải quan chức ngoại giao hàng đầu của ông Trump.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Taro Kono cho biết, cá nhân ông lấy làm tiếc khi một người “thẳng thắn, đáng tin cậy” như ông Rex Tillerson không còn giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang được lên kế hoạch.
Ông Pompeo (phải) sẽ sớm thay thế vị trí Ngoại trưởng từ ông Tillerson.
Tổng thống Trump đã sa thải ông Tillerson hôm 13/3 sau một loạt các căng thẳng công khai liên quan đến chính sách về Triều Tiên và Nga, quyết định thay thế bằng Giám đốc cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mike Pompeo.
“Chắc chắn, Mỹ sẽ nắm chìa khóa quan trọng cho cuộc gặp, vì vậy, tôi rất muốn gặp người kế nhiệm của ông Tillerson sớm và trao đổi về Triều Tiên cũng như các vấn đề khác”, ông Kono nói.
Các nhà phê bình đã tỏ ra thất vọng với quyết định sa thải quan chức ngoại giao hàng đầu của ông Trump ngay trước thềm cuộc chưa từng có tiền lệ và lo ngại ông Pompeo sẽ thúc giục Tổng thống Mỹ có thái độ cứng rắn với Triều Tiên.
Ông Pompeo có quan điểm cứng rắn về vấn đề Triều Tiên và thương mại. 
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha quyết định vẫn thực hiện chuyến thăm đến Washington, Mỹ để bàn thảo về vấn đề Triều Tiên, bất chấp việc ông Tillerson bị sa thải.
Các quan chức giấu tên khác của Seoul cũng cho biết, mặc dù ông Pompeo được biết là có quan điểm cứng rắn về Triều Tiên nhưng ông là một chính trị gia dày dặn và dường như biết cách thỏa hiệp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, Bắc Kinh hy vọng sự thay đổi nhân sự sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển trong quan hệ 2 nước và các lĩnh vực hợp tác quan trọng.
"Chúng tôi hy vọng rằng động lực tích cực trên bán đảo Triều Tiên sẽ được duy trì",ông Lục Khảng phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ.
Jia Qingguo, chuyên gia ngoại giao Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh có thể nhìn thấy những kết quả tích cực từ sự thay đổi này trong quan điểm của Washington đối với sáng kiến ​Vành đai con đường.
"Ông Tillerson đôi lúc khá chỉ trích đối với Trung Quốc, trong đó có sáng kiến Vành đai con đường”, nhà nghiên cứu nói.
Ông Pompeo cũng được biết đến với quan điểm "diều hâu" về thương mại. Ông sẽ tiếp quản vị trí Ngoại trưởng trong bối cảnh Washinton đang hoàn thiện việc áp thuế mạnh đối với thép và nhôm nhập khẩu, gây lo ngại cho một số đối tác thương mại châu Á.
Trong khi đó, Điện Kremlin hy vọng quan hệ Nga - Mỹ sẽ mang tính xây dựng và mềm mỏng hơn sau khi  Mỹ có Ngoại trưởng mới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần