Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các quận nội thành hỗ trợ xây dựng NTM: Không chỉ là trách nhiệm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các quận nội thành tích cực chung tay hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng nông thôn mới (NTM) thời gian qua không chỉ thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển chung của TP, mà còn được kỳ vọng hướng tới mục tiêu bền vững hơn - lấy nông thôn làm trụ đỡ cho đô thị.

Chung tay, góp sức

Từ cuối năm 2014, UBND TP đã có văn bản vận động các quận nội thành có điều kiện về nguồn lực chung sức cùng TP hỗ trợ kinh phí đầu tư các công trình nhà văn hóa (NVH) thôn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trên địa bàn Thủ đô. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 166/KH-UBND ngày UBND TP về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của Thủ đô. Đồng thời, tạo sức bật mạnh mẽ cho chương trình xây dựng NTM ở các huyện miền núi.
Nhà văn hóa thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì đang được hoàn tất. Ảnh: Trọng Tùng
Nhà văn hóa thôn Hợp Nhất, xã Ba Vì đang được hoàn tất. Ảnh: Trọng Tùng
Ngay sau khi TP phát động, các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đã đăng ký hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng 51 công trình NVH thôn tại 3 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 102 tỷ đồng. Tính đến nay, các quận đã hỗ trợ kinh phí để các huyện tổ chức thực hiện đạt hơn 94 tỷ đồng. Trong đó, quận Đống Đa hỗ trợ 5 NVH thôn tại xã Ba Vì và Minh Quang (huyện Ba Vì) với tổng kinh phí 10 tỷ đồng; quận Thanh Xuân hỗ trợ 9 NVH tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì) và xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) với kinh phí hơn 18 tỷ đồng…

Có thể nói, với 47 NVH được hoàn thành từ nguồn vốn hỗ trợ của các quận nội thành, bộ mặt nông thôn các xã miền núi 3 huyện Quốc Oai, Ba Vì, Thạch Thất đã có sự đổi thay đáng kể. Không những thế, việc các NVH đi vào hoạt động còn góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng khó khăn. “Với sự hỗ trợ của các quận nội thành và hiệu quả đầu tư từ Kế hoạch 166, có những xã sẽ về đích sớm hơn kế hoạch” - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến chia sẻ.

Hướng tới hợp tác bền vững

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU, hiện nay, trình độ dân trí, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn còn chênh lệch lớn so với khu vực nội thành. Tại nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn và chưa đồng bộ, đòi hỏi nguồn lực đầu tư rất lớn. Chính vì vậy, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch của TP, bên cạnh nỗ lực của các xã, huyện khu vực ngoại thành, cần tiếp tục có sự chung tay góp sức của các quận nội thành.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai chia sẻ, huyện có địa hình cả đồng bằng, đồi gò nên rất khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM, năm 2016 phấn đấu có thêm 6 xã về đích. 4 xã cuối cùng là những địa phương khó khăn, riêng  kinh phí hoàn thành xây dựng NTM của 4 xã này đã lên tới hơn 80 tỷ đồng. Đánh giá về sự hỗ trợ của các quận nội thành, ông Quyền cho rằng, các quận, huyện cần phải có chương trình hợp tác phát triển một cách bền vững, đôi bên cùng có lợi. “Các quận nội thành có nguồn kết dư ngân sách thì hỗ trợ cho các huyện xây dựng NTM. Trong khi đó, các huyện ngoại thành có thể tập trung sản xuất, cung cấp thực phẩm sạch cho các quận” - ông Quyền cho hay.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP mới đây, lãnh đạo quận Hà Đông và Long Biên tiếp tục cam kết sẽ hỗ trợ các huyện ngoại thành xây dựng NTM. Ban Chỉ đạo Chương trình 02 TP đề nghị các huyện cần chủ động làm việc với các quận để thống nhất kế hoạch và nội dung hỗ trợ các công trình xây dựng NTM của địa phương.