Các thành phố có được xây dựng để dành cho giới trẻ?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat), ước tính đến năm 2030, 60% dân số thành thị nằm trong độ tuổi dưới 18. Vì vậy, khi nói đến câu chuyện quy hoạch đô thị tương lai, không thể không nhắc đến giới trẻ.

Trung tâm cộng đồng dành cho trẻ em The Playscape, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Fangfang Tian 
Giới trẻ thành phố gặp nhiều thách thức
Kết cấu đô thị ngày nay làm nổi bật 2 mô hình nhân khẩu học: Đô thị hóa nhanh chóng và dân số trẻ cao. Mặc dù đang phát triển về quy mô, các thành phố trên thực tế đã trở nên "trẻ hơn" về nhân khẩu, với gần 4 tỷ dân số thế giới dưới 30 tuổi đang sống ở các khu vực đô thị.
Theo Chương trình Định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat), ước tính đến năm 2030, 60% dân số thành thị sẽ nằm ở độ tuổi dưới 18. Vì vậy, khi nói đến quy hoạch đô thị và tương lai của các thành phố, rõ ràng giới trẻ nên là yếu tố quan trọng trong quá trình này.
Sự tham gia tích cực của giới trẻ vào các hoạt động xã hội cho phép tạo ra các môi trường sống bền vững, mang tính bao trùm và an toàn, trong đó nêu bật sự cần thiết phải thúc đẩy các nỗ lực vì sự phát triển của giới trẻ. Đây được cho là bước đi cần thiết nhằm tránh các mối đe dọa và thách thức có thể cản trở sự phát triển bền vững, nhằm từng bước nâng cao mức sống toàn cầu.
Tuy nhiên, giới trẻ ngày nay phải đối mặt với không ít thách thức từ cách các thành phố mà họ đang sống hiện đang vận hành.
Chẳng hạn, một cuộc khảo sát gần đây của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, hơn 2/3 người trẻ châu Âu vẫn sống với bố mẹ vì họ không đủ khả năng để có một nơi ở riêng. Tỷ lệ sở hữu nhà của những người từ 25 - 34 tuổi đã giảm từ 55% vào năm 1997 xuống còn 35% vào năm 2017, và con số này vẫn tiếp tục xu hướng giảm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, nơi giá nhà cao gấp 4 lần so với năm 1950, trong khi mức lương bình quân chỉ tăng 19%. Theo đánh giá mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ còn kéo dài, với 75 triệu người có thể thất nghiệp trong năm 2021 và duy trì tình trạng này ít nhất là tới năm 2023.
Một thách thức quan trọng khác mà thanh thiếu niên phải đối mặt là bạo lực - từ bạo lực tinh thần, tấn công tình dục đến xâm hại thể chất nói chung. Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 200.000 vụ giết người xảy ra ở thanh thiếu niên từ 10 - 29 tuổi mỗi năm. Điều này là do người trẻ không được giám sát đầy đủ, dễ dàng tiếp cận với chất kích thích và vũ khí - một vấn nạn được dung dưỡng bởi tình trạng bất bình đẳng kinh tế cũng như hệ thống luật bảo vệ còn chưa hoàn chỉnh ở mỗi địa phương.
Mặc dù các thành phố được xây dựng cho tất cả mọi người và giới trẻ đang ngày càng phát triển theo hướng bao trùm và cân bằng về giới, nhưng các kế hoạch và và phát triển thành phố chủ yếu được thực hiện bởi nam giới.
Hướng dẫn của UN-Habitat dành cho các thành phố về quy hoạch và thiết kế đô thị bền vững, toàn diện đã chỉ ra, đối với nhóm trẻ từ 8 tuổi trở lên, khả năng 80% không gian công cộng tại các đô thị là chủ yếu phù hợp hơn với các em trai, trong khi các bé gái cảm thấy bất an khi gặp khó khăn trong việc hoà nhập. Sự thiếu cân nhắc về giới này góp phần làm gia tăng khoảng cách giới và đẩy các nhóm dễ bị tổn thương ra ngoài lề trong các quá trình phát triển đô thị.
Nhìn chung, cùng với những xung đột nhất định giữa một thế hệ trẻ có ý thức về môi trường hơn với lớp người cũ, các yếu tố nói trên được cho đã dẫn đến những vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng ở giới trẻ, thay đổi "bản sắc nhân khẩu học" của các thành phố, và trong một số trường hợp nghiêm trọng thậm chí còn ảnh hưởng tới mức tuổi thọ kỳ vọng.
Một sân chơi di động thuộc Chương trình Không gian Công cộng Toàn cầu của UN-Habitat. 
Nỗ lực "trẻ hóa" không gian của các thành phố
Đô thị hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng, hòa nhập xã hội, bình đẳng và gắn kết ở các thành phố trên toàn cầu. Trong đó, việc đánh giá mức độ phù hợp của các thành phố đối với thanh thiếu niên thường dựa trên 3 yếu tố: sống, làm việc, và giải trí.
Về không gian công cộng và những thách thức bởi Covid-19, UN-Habitat, với Quỹ Block by Block, đã và đang hỗ trợ ít nhất 10 chính quyền thành phố thiết lập các vùng đô thị mở an toàn trước Covid-19, đặc biệt là ở những khu dân cư nghèo, ít không gian xanh cho cộng đồng.
Lấy ví dụ tại Việt Nam, UN-Habitat tập trung vào việc tăng cường sự an toàn và hòa nhập của các sân chơi cộng đồng nhằm thúc đẩy các hoạt động thể chất và kết nối xã hội cho trẻ em. Các sân chơi nhỏ di động đã được xây dựng bằng vật liệu tái chế và tự nhiên, không tốn kém nhiều chi phí bảo trì.
Giải pháp này được đánh giá là phù hợp với các không gian công cộng có quy mô nhỏ nằm trong các thành phố có mật độ cao. Trẻ em có thể dễ dàng tham gia trong tầm quan sát của bố mẹ.
Hay như dự án Thành phố Con người đang được thực hiện tại Nigeria, nhằm tạo ra một mạng lưới  những người trẻ với mục đích thu thập và chia sẻ thông tin về môi trường sống của họ với các nhà quy hoạch đô thị. Nhìn chung, dự án thúc đẩy các kiến trúc dựa trên cộng đồng, quy hoạch đô thị hướng đến nhân quyền. 
Ngoài ra, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã sử dụng các môn thể thao như một cách để thúc đẩy sự hòa nhập của người di cư và tương tác xã hội. Các sân bóng rổ đã được xây dựng ở Côte d'Ivoire và Togo, thu hút dân cư từ nhiều dân tộc khác nhau cùng vui chơi và học hỏi trong một không gian cộng đồng an toàn.
Vào dịp Quốc tế Phụ nữ năm nay, UN-Habitat và Global Utmaning - một tổ chức tư vấn độc lập của Thụy Điển - đã ra mắt HerCity - một nền tảng để nữ giới đóng vai trò chuyên gia trong việc tạo lập các thành phố và cộng đồng hòa nhập, bình đẳng và bền vững hơn. Sáng kiến ​​này cung cấp các giải pháp và công cụ cho mọi đô thị thành viên trên toàn cầu, hỗ trợ các thành phố lồng ghép sự tham gia của trẻ em gái vào các chiến lược dài hạn của họ.