Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các tỉnh miền Trung cần chủ động phòng, chống lũ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký Công điện số 1875/CĐ-TTg về phòng, chống lũ hiệu quả trong thời gian tới.

Công điện gửi các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế; Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn; Ban chỉ đạo phòng chống lụt, bão Trung ương, Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam.

Công điện nêu rõ vừa qua, trên địa bàn các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi đã có mưa to đến rất to, lũ lớn gây thiệt hại về người, ngập lụt nghiêm trọng nhiều khu dân cư, đặc biệt các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến thân nhân những gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương.

Để giảm thiểu thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân vùng ngập lũ sớm ổn định cuộc sống, đồng thời chủ động phòng, chống lũ hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người (nhất là người già, trẻ em) tại các vùng bị ngập lũ; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho nhân dân tại các khu vực còn đang bị ngập sâu, chia cắt, đảm bảo không để người dân nào bị đói, khát. Cử người canh gác, hướng dẫn việc đi lại an toàn qua các bến đò ngang, các ngầm giao thông bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động di dời dân ra khỏi các vùng nguy hiểm do lũ quét, sạt lở đất. Chỉ đạo lực lượng cán bộ y tế trực tiếp đến các địa bàn bị ngập lũ, tổ chức cứu chữa người bị thương, khám chữa bệnh cho nhân dân, hỗ trợ nhân dân khắc phục vệ sinh môi trường sau khi lũ rút, không để phát sinh dịch bệnh do ngập lũ. Huy động các lực lượng thanh niên, quân đội, công an trên địa bàn giúp nhân dân vệ sinh và dựng lại nhà cửa, khu dân cư khi lũ rút.

Bộ Y tế theo dõi sát tình hình mưa lũ, chủ động chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, cơ số thuốc chữa bệnh, hóa chất phòng chống dịch và các phương tiện, vật tư thiết yếu kịp thời hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát, khẩn trương, khắc phục đảm bảo giao thông trên các trục giao thông chính sau khi lũ rút.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị đủ số lượng thuốc xử lý nguồn nước, giống, vật tư, phân bón kịp thời hỗ trợ nhân dân vùng bị ngâp lũ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, kịp mùa vụ sản xuất.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn nằm trong khu vực ảnh hưởng của mưa lũ chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn saàg giúp đỡ đối phó khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia tiếp tục theo dõi diễn biến của thiên tai, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng và các Bộ, ngành liên quan để chỉ đạo và đưa tin kịp thời cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

Ban Chỉ đao Phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của mưa lũ để kịp thời chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó có hiệu quả; rà soát, tổng hợp đề nghị của các địa phương, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ địa phương khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ.

Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện phục vụ cứu hộ, cứu nạn tại khu vực miển Trung để sẵn sàng thực hiện có hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.