Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trường cao đẳng: Loay hoay tìm nguồn tuyển

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lượng thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào các trường đại học (ĐH) năm 2017 tăng 5% so với năm ngoái, cộng với việc không có thông tin TS đăng ký trước, khiến nhiều trường cao đẳng (CĐ) bị thiếu nguồn tuyển phải loay hoay tìm cách tháo gỡ.

Quảng bá trên mọi kênh
Mọi năm, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, các trường CĐ nhận được một lượng hồ sơ đăng ký ngành nghề của TS. Nhưng năm nay, khối trường CĐ chuyên nghiệp được giao về Bộ LĐTB&XH quản lý có cảm giác như bị bỏ rơi, bởi thông tin tuyển sinh không được đăng tải trên website của Bộ GD&ĐT khiến TS không biết đăng ký ở đâu. Trước tình trạng này, Tổng cục Dạy nghề hỗ trợ ban hành cẩm nang "Những điều cần biết về tuyển sinh CĐ năm 2017" bao gồm thông tin tuyển sinh của tất cả các trường CĐ đăng trên website của đơn vị này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi các mã ngành từ CĐ hàn lâm sang CĐ nghề chậm, cộng với quảng bá thông tin tuyển sinh muộn là khó khăn mà nhiều trường CĐ đang gặp phải.

Giờ thực hành của sinh viên trường Cao đẳng nghề Hà Nội. Ảnh:  Hải Linh

Để cứu mình, trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội đăng thông tin tuyển sinh 2017 trên trang panpage, website của trường cũng như thông qua sinh viên (SV) và những em đã tốt nghiệp ra trường để quảng bá. “Nhưng để làm được việc đó, chất lượng đào tạo của trường phải đặt lên hàng đầu. Và để các cựu SV giới thiệu người thân quen đến trường học còn phụ thuộc phần lớn vào các thầy cô giảng dạy có tốt và nhiệt tình không. Chính vì thế, nhà trường rất chú trọng vào khâu đảm bảo chất lượng đào tạo” – bà Đỗ Hồng Nhung – Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết.
Trưởng phòng Đào tạo, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Thị Hằng Nga cũng cho rằng, năm nay bỗng dưng các trường CĐ cảm thấy bơ vơ khi thông tin tuyển sinh về các ngành học và chỉ tiêu không đến được học sinh qua kênh của Bộ GD&ĐT. Nhà trường không thể đến hết các trường THPT để giới thiệu hoạt động đào tạo, đành tuyên truyền qua trang cá nhân và hệ thống báo chí truyền thông. Tất nhiên, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cũng quảng bá hình ảnh hoạt động của nhà trường thông qua người học. Đây chính là kênh hiệu quả nhất đã được CĐ Công nghiệp Dệt may Hà Nội, CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội triển khai trong nhiều năm qua.
Tăng tối đa tỷ lệ thực hành
Đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra cho SV là tiêu chí được nhiều trường CĐ hướng đến. Có nghĩa, khi tốt nghiệp, SV có thể bắt tay làm việc ngay tại DN. Để làm được việc này, trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã thay đổi toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng dẫn của Tổng cục Dạy nghề bằng hình thức tích lũy modul và tín chỉ, nhưng rút ngắn thời gian đào tạo. Nhà trường cũng mời các DN tham gia xây dựng chương trình và hoạt động đào tạo nhằm tạo cơ hội cho SV có thời gian đi học các môn chuyên ngành ở tại DN để được trải nghiệm thực tế. “Năm nay, các chương trình đào tạo được thiết kế theo hướng 70 – 75% thực hành và 25 – 30% lý thuyết, giảng dạy theo phương pháp tích hợp. SV học lý thuyết đến đâu sẽ được thực hành luôn đến đó. Vì thế, sau khi học xong, các em đã có luôn modul hoàn chỉnh cùng với kỹ năng tay nghề” – bà Nga cho hay.
CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội cũng nâng tỷ lệ thực hành từ 40% lên tối đa 70%, lý thuyết 60% giảm xuống còn 30%. Những môn cơ sở, SV được học lý thuyết kết hợp với thực hành tại trường. Các môn chuyên ngành, SV đi thực tế và làm việc tại DN. Một số ngành như Quản trị khách sạn, Quản trị Dịch vụ lữ hành, SV tự viết bài hướng dẫn, sau đó được bố trí đến các tuyến điểm du lịch để thực hành. Theo bà Nhung, nhà trường quy định rõ giảng viên phải luôn bồi dưỡng ngiệp vụ, đi thực tế tại DN để nâng cao trình độ: “Nhà trường chú trọng vào bài giảng, dự giờ lên lớp để có góp ý cho giảng viên về mặt chuyên môn và tác phong đứng lớp. Không những thế, giảng viên còn phải liên hệ và tham gia hoạt động tại DN ở lĩnh vực nghề họ đang đảm nhiệm để trang bị thêm kỹ năng cũng như bồi dưỡng chuyên môn và cập nhật kiến thức”.
Để thu hút người học, nhiều trường CĐ chú trọng đào tạo những ngành nghề mà xã hội đang thiếu nhân lực và có thu nhập tương đối khá. Đây cũng là cách để thu hút người học, cải thiện nguồn tuyển trong những năm tới.
Cùng với việc duy trì và cải tiến trang tuyển sinh online, chúng tôi tận dụng tối đa học sinh, SV đang học và đã tốt nghiệp cho công tác tuyển sinh bằng việc nâng cao chất lượng, đưa tờ rơi về địa phương.
Ông Phạm Đức Vinh
Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội