Kế hoạch học từ đầu năm
Tuân thủ theo đúng quy định của Bộ và Sở GD&ĐT là không được cắt giảm chương trình, mỗi trường tùy theo điều kiện và trình độ của HS đã tổ chức ôn tập bằng các hình thức khác nhau.
Bàn về 6 môn thi tốt nghiệp THPT, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, cả giáo viên (GV) và HS trong trường đều không bất ngờ. "Sau khi Bộ GD&ĐT công bố các môn thi (ngày 29/3), ngay hôm sau (thứ Bảy ngày 30/3), nhà trường đã có cuộc họp với GV chủ nhiệm, GV bộ môn của 6 môn thi và phụ huynh để lên kế hoạch ôn tập cho HS. GV cũng như HS của trường không bất ngờ bởi ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch cụ thể, cùng với quan điểm thi hay không thi, GV, HS đều dạy, học kỹ, đúng chương trình trong SGK, học đến đâu chắc kiến thức đến đó" - cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.
Để đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, học sinh nên học kỹ, bám sát chương trình sách giáo khoa. Ảnh: Trung kiên
Cùng quan điểm, thi hay không thi, các môn học đều được học và dạy kỹ ngay từ đầu năm học, thầy Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi này, ngay từ đầu năm, nhà trường đã tập trung học cả 8 môn có khả năng sẽ thi tốt nghiệp. "HS và GV đều khá chủ động khi Bộ công bố môn thi năm nay. Nếu có rơi vào môn Lịch sử hay Vật lý thì cả HS và GV cũng sẵn sàng" - thầy Sơn khẳng định.
Trường THPT Kim Liên có nhiều thuận lợi khi điểm đầu vào của HS khá cao, nên việc tập trung học cả 8 môn trong diện thi tốt nghiệp không khó với HS dù đã phân ban. "Có tới 80% HS lớp 12 của trường đăng ký thi 2 khối, A, B hay A, D... nên việc học trải đều cả 8 môn không quá khó với các em vì cũng cùng mục tiêu thi đại học", thầy Nguyễn Thiết Sơn phân tích.
Tạo tâm lý trước kỳ thi
Mặc dù việc đảm bảo dạy đủ chương trình, không cắt xén đối với các trường là bắt buộc, nhưng thực tế vẫn không tránh khỏi tình trạng dạy đối phó khi môn thi tốt nghiệp đã được công bố. Thầy Nguyễn Thiết Sơn cho biết, khó khăn với trường không rơi vào các môn sẽ thi tốt nghiệp mà là với các môn không thi như: Thể dục, Giáo dục công dân hay Công nghệ... "Không ai dám cắt các môn này để tập trung cho thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, giáo viên các bộ môn này rất vất vả vì ngay sau khi có thông báo môn thi tốt nghiệp, tâm lý HS đều chểnh mảng với những môn không thi. Dù có lên lớp nhưng hiệu quả giảng dạy, học tập không cao" - thầy Nguyễn Thiết Sơn chia sẻ.
Thế nên, vị hiệu trưởng này đưa ra đề xuất, nếu để thực sự hợp lý, Bộ nên phân phối chương trình sao cho hết tháng 4 có thể kết thúc nội dung các môn để tháng 5 tập trung vào ôn thi, như thế sẽ đem lại hiệu quả thực tế thay vì học và dạy đối phó.Không riêng gì trường THPT Phan Huy Chú và THPT Kim Liên, hầu hết các trường ở Hà Nội đều không có chuyện cắt các môn phụ để tập trung ôn thi.
Các trường đã chủ động ngay từ đầu với việc thi tốt nghiệp 6 môn nên đều có kế hoạch cụ thể cho việc ôn thi. Không ít trường đến thời điểm này đã tổ chức thi thử 3 lần cho 3 môn Văn, Toán, tiếng Anh, 3 môn còn lại sắp tới sẽ thi thử tiếp. Việc này nhằm tạo tâm lý thoải mái cho HS, cũng như giúp HS làm quen với không khí thi cử.
Riêng trường THPT Phan Huy Chú, ngoài giờ học chính khóa, học tăng cường các môn thi, phụ huynh còn đề nghị GV tăng cường thêm 2 buổi/tuần ôn tập cho HS.
Đến một số trường THPT ở Hà Nội thời gian này có thể thấy, việc ôn tập phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được thực hiện đúng với tinh thần mà Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đoàn Hoài Vĩnh đã lưu ý: Các trường xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định. Thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình, bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng. Quan trọng là phải hướng dẫn HS nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt và dành nhiều thời gian cho việc tự học.
Tin từ Sở GD&T Hà Nội, đến hết tháng 3/2013, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP đã hoàn thành công tác chuẩn bị hồ sơ cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2013. Thống kê sơ bộ, toàn TP có gần 80.000 thí sinh sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm nay. |