Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Các trường ngoài công lập lại “cầu cứu” Bộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho rằng, Bộ GD&ĐT chưa sẵn sàng trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường nên chiều 9/1, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã tổ chức cuộc họp góp ý kiến vào dự thảo tuyển sinh ĐH và CĐ giai đoạn 2014 - 2016 của Bộ GD&ĐT. Dự kiến, hôm nay (10/1) văn bản góp ý sẽ được trình lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét.

Tuyển sinh riêng không cần đề án

PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết: "Chúng tôi có 5 ý kiến gửi Bộ. Tự chủ trong tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ chỉ cần đưa ra quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án mới công nhận quyền tự chủ tuyển sinh của họ". Theo PGS Nhĩ, Bộ cần có quy định chuẩn quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH, ai đạt chuẩn này đều đủ điều kiện để được tiếp nhận vào học ĐH. Điều kiện để thí sinh được vào học (căn cứ vào điểm xét tuyển, nội dung thi, kết quả học lực phổ thông, hạnh kiểm, năng lực xã hội…), các trường tự quyết định và công bố công khai tùy theo đặc điểm ngành nghề của trường. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy, chuẩn trình độ đầu vào của các trường ĐH được nhiều quốc gia lựa chọn là bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.

 
Hướng dẫn thí sinh đăng ký thi đại học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Đức Giang
Hướng dẫn thí sinh đăng ký thi đại học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Đức Giang
Bức xúc trước quy định đề án của trường tuyển sinh riêng phải có sự đồng tình của dư luận xã hội và xác nhận của Bộ, GS Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng bày tỏ: "Nếu làm sai thì bản thân tôi phải chịu trách nhiệm. Cái gì đã trình rồi cho phép thì có nghĩa là không tự chủ!". Đồng tình với ý kiến này, đại diện ĐH Công nghệ Đông Á đề nghị: "Bộ đã cho tự chủ thì tự chủ hoàn toàn, nếu Bộ thấy đề án chưa tốt thì hãy chỉ cho tôi. Mỗi trường có cách tuyển sinh riêng, làm sao công khai được? Điều cần thiết là Bộ phải công bố chuẩn quốc gia trình độ đầu vào". Đại diện ĐH Cửu Long cho rằng, Bộ không nên bắt ép các trường làm đề án để duyệt, vì Bộ không có người làm và mất tính tự chủ của các trường.

“Ba chung” nhưng không sử dụng điểm sàn

Lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập khẳng định kỳ thi "ba chung" do Bộ tổ chức đã tạo sự công bằng, bình đẳng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, việc quy định điểm sàn là không đúng. GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH phản đối việc sử dụng điểm sàn, bởi nó ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường: "Về mặt đo lường, điểm sàn được lấy từ điểm thi 3 môn phân bố khác nhau, nhưng cộng lại thì không đúng tính chất khoa học. Do vậy, dùng điểm sàn là không đúng". Các ý kiến khác cũng cho biết, điểm cao hay thấp là phụ thuộc vào đề thi, cách chấm. Hơn nữa, chuẩn tối thiểu của đầu vào ĐH là tốt nghiệp THPT, các trường muốn tuyển thí sinh phù hợp với các ngành thì có thêm phương án khác. Nếu Bộ sợ các trường tuyển sinh riêng "lấy bừa" thì yêu cầu các trường công khai phương án. Vừa rồi, kết quả PISA khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông rất tốt, nên yêu cầu phải có điểm sàn là ngưỡng tối thiểu đầu vào ĐH là không cần thiết. Chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận chất lượng giáo dục phổ thông không kém bởi nhiều em thi trượt ĐH ở trong nước đi du học nước ngoài vẫn có kết quả cao. "Điểm sàn không quyết định yếu tố đầu ra, mà phụ thuộc vào quá trình và phương pháp đào tạo, ý chí học tập của sinh viên… Nếu Bộ có kiểm định thì nên thực hiện ở đầu ra!" - GS Trần Hữu Nghị đề xuất.

Do đó, Hiệp hội đề nghị Bộ chỉ nên xem kỳ thi "ba chung" như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các trường, giúp họ thể hiện quyền tự do dân chủ tuyển sinh. Tất cả các cơ sở giáo dục ĐH được quyền sử dụng hoàn toàn, một phần hoặc không sử dụng kết quả của kỳ thi đó; Bộ không nên ép các trường nếu muốn sử dụng các kết quả của kỳ thi chung thì phải đăng ký và phải chấp nhận luật chơi riêng của Bộ. Từ đó, bỏ kỳ thi "ba chung" và nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT, chỉ có một kỳ tuyển sinh, cho phép các trường được chọn môn xét tuyển phù hợp với ngành học của khối đó, được lưu thông với nhau trong các khối.