Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách mạng công nghiệp 4.0: Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất

Hà Thanh - Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vietnam ICT Summit 2017 là nơi để cơ quan quản lý nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp CNTT đưa ra các giải pháp, chiến lược nhằm giúp Việt Nam tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sáng nay (6/9) tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2017) với chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Đáng chú ý, Diễn đàn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Ứng dụng CNTT, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cũng lành đạo các bộ ban ngành cũng như doanh nghiệp trong, ngoài nước đang hoạt động ở lĩnh vực CNTT.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ngày càng hiện hữu rõ nét cũng như tạo ra nhiều tác động mạnh mẽ đến tình hình kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia trên toàn cầu và Việt Nam cũng nằm trong số đó. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam thay đổi toàn diện mà còn tiềm ẩn nhiều thách thức cũng như nguy cơ.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Vietnam ICT Summit 2017 (Ảnh: Khắc Kiên)
Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2017, năng lực đổi mới sáng tạo Việt Nam tăng 12 bậc lên vị trí thứ 47 trên thế giới với sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực CNTT, không những thế chỉ số về Chính phủ điện tử được công bố vào tháng 7/2017 cũng tăng được 10 bậc. Nhưng đi kèm với đó là những lo lắng khi Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về vấn nạn spam cũng như nổi lên tình trạng mã độc tấn công vào các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp ...
Chính vì vậy, để bắt nhịp được với cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải thực hiện kết nối, chai sẻ nhiều hơn nữa giữa nhà nước và doanh nghiệp. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, Việt Nam đã tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật số và có nhiều kết quả tích cực, vì vậy, với cuộc cách mạng lần này, cơ sở hạng tầng CNTT cũng cần là lĩnh vực được đầu tư mạnh, ông Vũ Đức Đam nói.
Đối với nhân lực CNTT, Phó Thủ tướng cũng bày tỏ lạc quan khi các đơn vị như Bộ GD&ĐT cũng như Bộ TT&TT đã có những chính sách để nâng cao trình độ đào tạo nhân lực CNTT, yếu tố quan trọng nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên để nhân lực có trình độ phù hợp với nhu cầu thực tế cũng cần có sự tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp CNTT.
Nếu vẫn tư duy nhân lực là chuyện “con trâu đi trước, cái cày theo sau” thì Việt Nam không bao giờ thoát được bẫy thu nhập trung bình. Để đạt được mục tiêu 20 năm tới đây Việt Nam phải tăng thu nhập tối thiểu trên đầu người 7%, tăng GDP 7,5-8% mỗi năm thì lời giải nằm ở chính ở nguồn nhân lực tập trung vào những lĩnh vực mới, từ đó mới có thể tạo ra những bước phát triển đột phá, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
 Phó Thủ tướng tham dự gian hàng của doanh nghiệp CNTT (Ảnh: Khắc Kiên)
Cũng theo kết quả được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT (VINASA) công bố tại Diễn đàn về cuộc khảo sát 275 cơ quan, doanh nghiệp quanh mức độ chuẩn bị và sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0 thì chỉ có 35,2% đã chuẩn bị và sẵn sàng cho cuộc chơi mới, trong khi đó 58,7% đơn vị là chưa chuẩn bị gì và 6.1% đơn vị "mù tịt" về cuộc cách mạng này.
Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia khảo sát cũng đề xuất hướng đi cho Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cần tập trung vào các lĩnh vực có thể mạnh như: CNTT (89,9%), Du lịch (45,7%), Nông nghiệp (44,9%), Tài chính, Ngân hàng (47%) và logistic (28,3%).
Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia khảo sát cũng đề xuất, Việt Nam nên tập chung vào một số ngành nước ta có lợi thế trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bao gồm: CNTT (89,9%), Du lịch (45,7%), Nông nghiệp (44,9%) và Tài chính/Ngân hàng (47%) ...
Cũng trong khuôn khổ Vietnam ICT Summit 2017, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các chủ đề quan trọng như: “Nhận thức về Việt Nam 4.0”, “Thế mạnh kinh tế số Việt Nam – Công nghiệp số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh”, “Thành phố thông minh -Smart City” và “Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.