Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách nào "cứu" trường khó tuyển?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay vẫn chỉ có một điểm sàn. Tuy nhiên, cách xác định điểm sàn sẽ hợp lý hơn để tháo gỡ cho những trường và những ngành khó tuyển. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã khẳng định như vậy sau những xôn xao về thông tin sẽ có 2 mức điểm sàn.

Điểm sàn = đảm bảo chất lượng + đủ nguồn tuyển

Nhiều chuyên gia giáo dục băn khoăn không rõ Hội đồng điểm sàn của Bộ GD&ĐT sẽ tính toán thế nào để đưa ra mức điểm sàn. Bởi lãnh đạo Bộ luôn nói số lượng thí sinh (TS) trên điểm sàn dư rất nhiều, đủ nguồn để các trường ĐH tuyển, nhưng mùa tuyển sinh năm 2012, nhiều trường "hụt" chỉ tiêu. Điển hình, ĐH Đại Nam chỉ tuyển được hơn 100 chỉ tiêu, ĐH Tân Tạo được hơn 30 chỉ tiêu.

Cách nào "cứu" trường khó tuyển? - Ảnh 1

Cần xác định điểm sản hợp lý để tháo gỡ khó khăn cho những ngành khó tuyển sinh. Trong ảnh: Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Tú Oanh

Với quan điểm điểm sàn phải đảm bảo chất lượng và chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho rằng, cách tính điểm sàn của Bộ như mọi năm chưa chuẩn. Bởi, thay vì lấy điểm ứng từ trên đỉnh phổ để đa số TS đạt được, Bộ lại lấy điểm bình quân nên số TS đạt điểm sàn không nhiều so với tổng chỉ tiêu. Vì vậy, ông Khuyến đề xuất: "Bộ nên lấy điểm sàn tính từ đỉnh phổ, như vậy không cần lấy thêm số dôi dư so với tổng chỉ tiêu của các trường đã xác định. Điểm sàn chỉ là điều kiện cần để TS vào ĐH, bởi các trường gọi TS có điểm từ cao xuống chứ không phải từ thấp lên". Chẳng hạn, có 4 TS thi, trong đó có 3 TS đạt điểm 1, 1 TS đạt điểm 7. Nếu lấy từ đỉnh phổ thì phải lấy từ  điểm 1, sẽ có 4 em đạt. Nếu lấy theo điểm trung bình thì 3 TS điểm 1 + 1 TS điểm 7 = 10 điểm, trung bình 2,5 điểm. Như vậy trong 4 TS chỉ có người đạt 7 điểm là đỗ.

Những ngành "nóng", Bộ có thể tăng mức học phí để giảm lượng TS vào, vì không khuyến khích. Cũng giống như việc đánh thuế nặng mặt hàng rượu và thuốc lá. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp thì có thể giảm học phí, thậm chí là miễn. Nhưng, cũng cần cân nhắc, trước đây ngành sư phạm được miễn học phí nhưng đến bây giờ đào tạo thừa không sử dụng được. TS Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng

Để có dư nguồn tuyển cho các trường, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Bộ công khai số liệu phổ điểm của các khối thi. Đồng tình với ý kiến này, nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Phương Đông Bùi Thiện Dụ còn đề xuất Bộ tính điểm sàn gồm những nhóm người sau: Hơn 642.000 tổng chỉ tiêu của các trường tự xác định năm 2013 + số lượng TS ảo vì thi 2 khối (30.000 hoặc 50.000) + số TS đi du học + số TS đỗ ĐH nhưng không vào học trường tốp dưới để sang năm thi lại + số lượng dưới 10% chỉ tiêu các trường tuyển thêm mà không bị phạt + số TS trúng tuyển nhưng đi làm nghĩa vụ quân sự.

Chính sách - cứu cánh cho  ngành khó tuyển

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, những ngành khó tuyển như nông - lâm - ngư nghiệp cần được ưu tiên bằng chính sách. Nhưng theo ông Khuyến, không thể ưu tiên bằng cộng điểm vì "Khi ra trường họ lại đi làm nghề khác, chứ không phải ngành đã học. Cho nên, cần phải ưu tiên bằng chính sách, cụ thể là lương, tạo điều kiện việc làm". Trong khi đó, GS Nguyễn Văn Hùng cho rằng có điểm sàn cho các ngành khác nhau, có xét đến yếu tố vùng miền, ngành khó tuyển. Những ngành khó tuyển thuộc khối B, ngành trồng trọt, chăn nuôi thì điểm sàn phải thấp. Nhà nước có thể tài trợ một phần hoặc miễn học phí cho sinh viên học những ngành về nông nghiệp vì chính sách phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Cũng có ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT quy định những trường tốp trên phải lấy điểm chuẩn cao hơn điểm sàn, còn những trường ngoài công lập được tự quyết định điểm đầu vào. Riêng với các trường ĐH ngoài công lập đã lấy đến nguyện vọng 3 mà vẫn thiếu chỉ tiêu thì phải chấp nhận. Song, cũng nhiều chuyên gia giáo dục có quan điểm không trả giá bằng chất lượng, không vì các trường thiếu chỉ tiêu mà nới điểm sàn.