Cách nào kiểm soát chất lượng thịt trâu, bò nhập lậu?

Ánh Ngọc - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tình trạng trâu, bò nhập lậu trái phép qua biên giới vào Việt Nam thời gian qua diễn ra khá phổ biến, phức tạp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, cũng như chất lượng sản phẩm không đảm bảo ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Gióng hồi chuông cảnh báo về chất lượng

Thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới các tỉnh miền Trung và miền Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, nhất là các địa bàn biên giới với Lào, Camphuchia. Qua đó làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục… dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, cũng như sức khỏe người dân. Đặc biệt, vừa qua các phương tiện truyền thông đưa tin hàng loạt vi phạm về tình trạng bò thịt nhập lậu có dư lượng chất cấm cao hơn mức cho phép hàng chục lần, khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện ngay nguồn cung thịt bò từ sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30 - 40% nhu cầu của thị trường, phần còn lại được nhập khẩu thịt bò thương phẩm hoặc bò nguyên con. Ngoài phần nhỏ từ Mỹ, Australia, Brazil qua đường biển, bò còn được nhập về Việt Nam qua đường bộ từ các nước lân cận với số lượng hàng trăm ngàn con mỗi năm. Sau khi vào nội địa, một số được chở thẳng đến lò mổ, số khác sẽ được đưa đi vỗ béo trước khi giết mổ.

Hà Nội là một trong những địa phương tiêu thụ thịt bò lớn nhất cả nước. Ngoài năng lực sản xuất tại chỗ, hàng năm TP phải nhập một lượng lớn thịt bò từ các địa phương khác và nhập khẩu. Trong năm 2022, Hà Nội nhập 66.000 con bò thịt, trong đó có 2 nguồn nhập chính là từ Australia và các tỉnh thành trong nước.

Trước những thông tin về hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép bò nhập ngoại qua đường bộ, cùng với sự xuất hiện những mẫu thịt bò có nhiễm chất salbutamol - một chất cấm trong chăn nuôi, gây nguy hại đến sức khỏe làm người tiêu dùng hoang mang, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết: Trên địa bàn TP có một số cơ sở giết mổ gia súc lớn thuộc các huyện Đông Anh, Phú Xuyên. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tại các lò mổ được Chi cục thực hiện thường xuyên. Ngoài kiểm soát chặt nguồn gốc nhập, các cán bộ chuyên môn còn kiểm tra chất lượng bò bằng test nhanh. Trong quá trình kiểm tra, đơn vị chưa phát hiện bất thường, trường hợp nào vi phạm sử dụng chất cấm salbutamon trong hoạt động nhập khẩu bò và các sản phẩm từ bò.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Đảng, việc kiểm soát chất lượng thịt gia súc, gia cầm trước khi đưa ra thị trường vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan ngại. Bởi, toàn TP hiện có 730 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng trong đó chỉ có 106 cơ sở được UBND cấp huyện cấp phép hoạt động, được Chi cục Chăn nuôi và Thú y bố trí cán bộ kiểm soát. Vì vậy, hàng ngày lượng gia súc, gia cầm không được kiểm soát giết mổ trước khi đưa đi tiêu thụ là rất lớn.

Từ thực tế trên, dư luận không thể không đặt ra nghi ngại về chất lượng thịt trâu, bò đang được bán trên thị trường hiện nay liệu có đủ an toàn?

Chặn đứng nhập đường tiểu ngạch

Trao đổi về tình trạng nhập lậu trâu bò, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin có tình trạng nhập lậu trâu bò như các cơ quan truyền thông nêu, Cục đã báo cáo Bộ NN&PTNT và tiến hành lấy mẫu khẩn cấp ở các cơ sở thu gom trâu, bò hoặc các cơ sở giết mổ trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, Cục đã chuẩn bị 5.000 bộ kit test nhanh gửi cho tất cả các địa phương trong việc giám sát các cơ sở giết mổ trâu bò trong dịp trước và trong Tết Nguyên Đán. Cục Thú y cũng đã lấy mẫu của tất cả các đối tượng nghi nhập khẩu tại các lò mổ trên địa bàn Hà Nội.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Chi Cục Thú y ở địa phương thực hiện việc kiểm soát, đồng thời Bộ có văn bản gửi cơ quan Thú y các nước đề nghị Lào, Campuchia, Thái Lan báo cáo tình hình dịch bệnh, kiểm soát chất cấm dùng trong chăn nuôi.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã quán triệt toàn bộ hệ thống Thú y trong việc giám sát chặt kiểm tra, đồng thời có văn bản gửi tới Lào, Campuchia, Thái Lan để phối hợp kiểm soát. Nếu tình trạng trâu bò nhập lậu không chấm dứt, Bộ NN&PTNT sẽ sử dụng tới phương án dừng nhập khẩu gia súc từ 3 quốc gia này vào Việt Nam.

Theo đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo, nếu trong trường hợp bắt được các lô hàng trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy theo quy định. Bộ cũng đề nghị các địa phương yêu cầu Ban chỉ đạo 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan Thú y T.Ư đóng tại địa phương và cơ quan Thú y địa phương; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò vào Việt Nam.

Ở góc độ địa phương, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho rằng, cần kiểm soát chặt nhập khẩu đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, các Sở, ngành địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra vào TP; kiểm soát lưu thông, vận chuyển để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép trâu, bò. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ động vật để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tay cho việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ bò kém chất lượng.

 

Cục Thú y đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và tổ chức, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về Thú y triển khai giám sát dịch bệnh động vật, sử dụng chất cấm trên trâu, bò nhập khẩu và nghi nhập lậu vào Việt Nam. Trong đó chú trọng kiểm tra lâm sàng, tổ chức lấy mẫu nước tiểu để kiểm tra nhanh việc sử dụng chất cấm đối với trâu, bò nhập khẩu. Trường hợp kiểm tra nhanh mẫu nước tiểu cho kết quả nghi ngờ hoặc dương tính, phải dừng ngay việc giết mổ và gửi mẫu đến phòng thử nghiệm để xét nghiệm khẳng định, làm căn cứ xử lý theo quy định. Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long