Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ trong năm học mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với trẻ lớn, việc ăn quà vặt ở vỉa hè, hàng quán ven đường khiến trẻ dễ đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay rối loạn tiêu hóa do ăn đồ không đảm bảo vệ sinh cũng rất cao.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, những ngày đầu đến trường, trẻ được tiếp xúc với môi trường mới, với nhiều người và nhiều thứ mới lạ. Bên cạnh những mừng vui đưa con trẻ đến trường, nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo lắng sợ con mình dễ mắc bệnh khi đi học.

Bệnh đường tiêu hóa

Bác sĩ Thoa cho biết, một số trẻ mới bắt đầu đi học dễ mắc bệnh về đường tiêu hóa, nhất là trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Đi học, bé sẽ tiếp xúc nhiều với phẩn, bảng , giẻ lau,..., cộng thêm một số thói quen như mút tay, cắn móng tay, bốc thức ăn, ngoáy mũi nhưng lại không rửa tay, hoặc rửa tay mà không có xà phòng.   Đây chính là lý do khiến trẻ dễ mắc bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.

Đối với trẻ lớn, việc ăn quà vặt ở vỉa hè, hàng quán ven đường khiến trẻ dễ đối mặt với nguy cơ ngộ độc thực phẩm hay rối loạn tiêu hóa do ăn đồ không đảm bảo vệ sinh cũng rất cao.

 
Trẻ dễ mắc bệnh trong những ngày đầu đi học. Ảnh minh họa .
Trẻ dễ mắc bệnh trong những ngày đầu đi học. Ảnh minh họa .
Do vậy, để ngăn ngừa bệnh tiêu hóa cho trẻ, các bậc cha mẹ nên để ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ như bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng gồm thịt cá, sữa, rau xanh, hoa quả, đậu trứng,... và uống đủ nước. Cha mẹ không nên cho tiền để trể ăn quà vặt ở hàng quán vỉa hè.

Nhiễm trùng đường tiểu

Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường gặp ở trẻ mới đi học và xảy ra ở bé gái nhiều hơn. Những buổi đầu đến trường, nhiều trẻ dễ mắc nhiễm trùng đường tiểu do ngại đi vệ sinh chỗ lạ. Ngoài ra, nhiều trẻ nhịn đi tiểu, uống ít nước do khu vực vệ sinh ở trường học không sạch sẽ.

Nhiều bậc cha mẹ chủ quan, nghĩ rằng bệnh nhiễm trùng đường tiểu đơn giản nhưng bệnh này sẽ khiến trẻ chịu nhiều ảnh hưởng như sốt kéo dài, chán ăn, không tăng cân. Do vậy , cha mẹ cần lưu ý nếu thấy trẻ đi tiểu ít, nước tiểu vàng hay són tiểu trong quần kéo dài.

Đồng thời, các bậc cha mẹ nên tạo cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng lúc, tránh tình trạng nín nhịn và phải rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh, đặc biệt đối với bé gái, mẹ cần phải hướng dẫn trẻ cách dùng giấy hợp vệ sinh để lau khô vùng kín đúng cách. Khi phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và làm xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán bệnh.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp

Bao gồm viêm hô hấp trên và viêm phế quản phổi. Viêm họng do siêu vi, hay kết hợp với viêm kết mạc rất hay gặp ở trẻ nhỏ, có thể gây thành dịch. Bệnh bắt đầu đột ngột với các dấu hiệu sốt trong vài ngày, kèm theo chảy nước mắt, nước mũi, ho nhẹ, có khi kèm theo đau họng, nuốt khó, nuốt đau... Trẻ vẫn chơi bình thường, hầu hết trường hợp viêm họng do siêu vi đều tự khỏi trong vòng 4-5 ngày nếu không có bội nhiễm vi khuẩn.

Biến chứng của viêm hô hấp trên là viêm phổi. Trẻ thường sốt cao, trên 38,5 độ C, ho đờm, thở nhanh, khó thở. Trẻ bị bệnh viêm phổi thường mệt mỏi, kém chơi. Những trẻ này phải được khám và xử trí tại cơ sở y tế. Nếu chăm sóc bệnh tại nhà cần lưu ý theo dõi nhịp thở, kiểu thở và biểu hiện khó thở là dấu hiệu bệnh trở nặng. Khi có một trong các dấu hiệu sốt rất cao, mệt nhiều hoặc thở mệt, thở bất thường cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện.

Khi trẻ sốt nhẹ, cho trẻ mặc quần áo mỏng và thoáng. Khi trẻ ho, khò khè, vỗ lưng giúp tống xuất đờm ra ngoài, trẻ sẽ giảm và hết ho. Vệ sinh thông mũi cho trẻ, dạy trẻ che miệng khi ho, khi hắt hơi, chảy mũi và không khạc nhổ bừa bãi. Tránh để trẻ tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí lạnh. Cho trẻ uống nhiều nước. Tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ. Cách ly trẻ để tránh lây lan. Tiêm chủng đầy đủ.

Bệnh nhiễm siêu vi

Biểu hiện của bệnh là sốt đột ngột, nhiệt độ cơ thể lên đến 39 độ hoặc hơn. Sốt liên tục, sốt theo cơn, khi dùng thuốc hạ nhiệt thì thân nhiệt cũng chỉ giảm một thời gian ngắn rồi lại tăng. Kèm theo sốt, nhiều trẻ còn phát ban, đau bụng, nôn, tiêu chảy. Các triệu chứng nhiễm siêu vi thường xuất hiện cấp tính, sau 3-5 ngày trẻ hết sốt, từ từ khoẻ lại.

Các bậc cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ trong những ngày thay đổi thời tiết, không cho trẻ dầm mưa, chơi ngoài nắng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống cho trẻ. Giữ môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ.

Cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ trong năm học mới

Chú ý đến nhu cầu dinh dưỡng, ngủ nghỉ của trẻ là điều mà cha mẹ nào cũng cần thực hiện triệt để nhằm đảm bảo cho trẻ đủ sức khỏe cho quá trình học tập. Ngoài ra, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh từ bên ngoài vào cơ thể thông qua tiếp xúc tay miệng, cha mẹ cần hướng dẫn cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh khi ở nhà cũng như ở trường.

Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém trong việc phòng ngừa bệnh cho trẻ. Cha mẹ nên "đào tạo" cho trẻ thói quen rửa tay với xà phòng diệt khuẩn vào các thời điểm quan trọng như là trước khi ăn, sau khi ăn và khi đi vệ sinh... Nếu ở trường không có xà phòng diệt khuẩn, trẻ cũng nên có thói quen rửa tay với nước sạch để hạn chế nguy cơ mắc bệnh.

Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách theo 6 bước sau:

- Làm ướt 2 lòng bàn tay bằng nước. Lấy xà phòng và chà 2 lòng bàn tay vào nhau.

- Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

- Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các kẽ trong ngón tay.

 Chà mặt ngoài các ngón tay của bàn tay này vào lòng bàn tay kia.

 Dùng bàn tay này xoay ngón cái của bàn tay kia và ngược lại.

Xoay các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.