Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cái bắt tay chưa chặt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự tham gia tích cực của hàng không được xem như đòn bẩy giúp cho du lịch phát triển trong những năm qua. Song sự hợp tác này vẫn chưa thực sự bền vững khi du lịch đôi khi vẫn ở thế bị động.

Hàng không - đòn bẩy cho du lịch

Những năm gần đây, sự tham gia mạnh mẽ của các hãng hàng không trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển, thu hút ngày càng đông du khách quốc tế đến Việt Nam và “khai thông” các tuyến du lịch nội địa. Theo thống kê, hàng năm, lượng khách đến bằng đường hàng không chiếm khoảng 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2014, con số này đạt hơn 6,22 triệu lượt trong tổng số 7,87 triệu lượt khách quốc tế, tăng 4% so với năm 2013. Lượng khách du lịch nội địa sử dụng đường hàng không cũng tăng mạnh theo từng năm, điển hình là năm 2014, khách du lịch nội địa đạt 38,5 triệu lượt. Sự thuận tiện của đường hàng không cũng góp phần làm cho người Việt đi du lịch nước ngoài nhiều hơn. Theo thống kê, con số này mỗi năm khoảng 5 triệu người.
Hành khách mua vé máy bay của hãng hàng không Vietjet Air.  	Ảnh: Hoàng Liêm
Hành khách mua vé máy bay của hãng hàng không Vietjet Air. Ảnh: Hoàng Liêm
Các chuyên gia du lịch còn khẳng định, sự phát triển của hàng không cũng tạo nên sự đa dạng về điểm đến và sản phẩm dịch vụ, đem lại nhiều lựa chọn cho du khách, sự tăng trưởng cho DN lữ hành và tăng sức hút đối với điểm đến. Cũng nhờ sự tham gia tích cực của hàng không mà các hãng lữ hành trong nước có thể tung ra các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn nhờ sự ưu đãi về giá và dịch vụ để thu hút du khách quốc tế và nội địa.

Cần cả tiếng nói chung

Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác này đôi khi vẫn tồn tại những bất cập nhất định. Trong nhiều trường hợp, vì hợp tác thiếu nhịp nhàng mà lợi ích chung bị ảnh hưởng, đặc biệt là các DN lữ hành thường chịu thiệt thòi do ở thế bị động.

Theo đánh giá của các chuyên gia, giữa DN lữ hành và các hãng hàng không chưa có sự liên kết chặt chẽ để tạo ra dịch vụ có mức giá tốt, ổn định và có khả năng cạnh tranh cao. Các DN phản ánh, giá vé máy bay nội địa và một số tuyến quốc  tế còn cao, sự kết hợp giữa DN lữ hành và hãng hàng không chưa hiệu quả để tạo ra nhiều tour trọn gói có mức giá cạnh tranh với các nước trong khu vực. Một số DN vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc đặt vé cho các đoàn khách, nhất là trong mùa cao điểm cũng như một số tuyến bay… Như đại diện một DN lữ hành chia sẻ, một trong những khó khăn hiện nay là các hãng hàng không thường tung ra các chương trình khuyến mại giảm giá vé để kích cầu vào mùa thấp điểm, nên DN lữ hành khó bán tour.

Song khó khăn lớn nhất đối với DN du lịch là thiếu sự hợp tác của hàng không khi không may xảy ra sự cố khiến tour hoặc chuyến bay phải hủy. Thực tế, chi phí vé máy bay chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành một tour, do vậy, DN lữ hành phụ thuộc khá nhiều vào các hãng hàng không trong việc xây dựng sản phẩm. Khi có sự cố, nếu các hãng hàng không thiếu thiện chí trong phối hợp và chia sẻ thì các DN lữ hành phải chịu thiệt hại lớn, cả về chi phí lẫn uy tín. Vụ việc mới đây liên quan đến cách giải quyết của hãng Air Asia Thái Lan trong sự cố bom nổ tại Thái Lan là một ví dụ điển hình. Theo đó, do ảnh hưởng từ 2 vụ nổ bom ở Bangkok, hàng loạt tour đi Thái đã bị hủy hoặc chuyển hướng sang thị trường khác nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Tuy nhiên, trong khi các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air đều tạo điều kiện cho các công ty du lịch Việt Nam dời miễn phí tour sang thời điểm khác, thậm chí còn hoàn tiền cho những tour bị hủy, thì Thai Air Asia lại gây khó cho DN. Cụ thể là hãng hàng không này không cho các công ty du lịch hủy tour trong các ngày từ 17 - 24/8, chỉ có thể lùi thời gian tổ chức tour, nhưng phải trả thêm cho Thai Air Asia 35 USD/khách, cộng thêm phí chênh lệch giá vé ở thời điểm mới. Điều đó khiến các công ty du lịch Việt thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ngay cả việc các hãng hàng không đột xuất hủy/hoãn chuyến bay mà thiếu cách ứng xử “hợp tình hợp lý” cũng không còn “hiếm”. Ngay đêm 14/9 vừa rồi, chuyến bay VJ196 từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội của Vietjet Air hủy chuyến đột ngột, không thông báo cho khách hàng đã khiến không ít người bức xúc do phải chờ đợi suốt 5 tiếng, lại không được thông báo về lịch bay cụ thể.

Có thể nói, mối quan hệ giữa hàng không và du lịch khó có thể tách rời trên con đường phát triển của cả hai ngành. Tuy nhiên, để cùng phát triển bền vững, không chỉ cần đến những cái bắt tay chặt chẽ, mà cần cả tiếng nói chung cùng sự chia sẻ lúc khó khăn.