Cải cách để không lỡ nhịp phục hồi kinh tế

Nhóm PVTS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách năm 2021, mục tiêu, giải pháp năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế, phòng, chống dịch hiệu quả đã được đại biểu (ĐB) Quốc hội tập trung phân tích.

Thêm các nguồn “oxy” cho doanh nghiệp

Phát triển, phục hồi kinh tế thời gian tới là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tới. Bên cạnh đánh giá Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời ban hành các gói hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn trong đại dịch, các ĐB cũng đề nghị cần có các gói kích thích kinh tế với liều lượng hợp lý, hỗ trợ trực tiếp có hiệu quả cho hệ thống DN - linh hồn của nền kinh tế.

Theo ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là hai mặt trận song hành. Khi phục hồi, phát triển kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch và nếu không có nền tảng kinh tế thì không có lực để chiến đấu với dịch bệnh. ĐB cho rằng nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và an sinh đến nay đã gần 100.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn, ngân sách Nhà nước thời gian qua đã phải căng ra chi cho chống dịch. Do đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách chống thất thu nợ đọng thuế, chuyển giá, chống gian lận thương mại. Đồng thời, triển khai ngay các giải pháp phục hồi, tháo gỡ các khó khăn giúp cho DN giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng; có các chính sách hỗ trợ trực tiếp để không xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt lao động và chuyên gia…
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi
Vai trò của ngân hàng đối với các DN cần phải đánh giá kỹ hơn. Hiện nay mới có khoảng 30% DN vừa và nhỏ tiếp cận được với các nguồn vốn từ ngân hàng, còn lại 70% phải sử dụng nguồn vốn tự có hoặc đi vay từ các nguồn không chính thức với chi phí rất cao. Các gói vay 16.000 tỷ đồng đến ngày 31/7/2020 kết thúc giải ngân nhưng cũng chưa có đơn vị nào tiếp cận được nguồn vốn này.

ĐB Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ đã ban hành, những gói này được ví như nguồn “oxy” cho DN đang “hấp hối”. Đồng thời, cần những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn; tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để DN có thể dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát. “Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 là khoảng 40 - 45% so với GDP và khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4%, mức này là an toàn so với trần nợ công 60% GDP. Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu, tung ra gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho DN, trung tâm trong chiến dịch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2021 - 2025”- ĐB nêu.

Cho rằng với bối cảnh năm nay, khó có thể đạt tăng trưởng 3 - 3,5%, ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) phân tích, các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm đã bám sát tình hình thực tế nhưng riêng chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kỳ vọng tăng bình quân 6,5% vẫn nên được đánh giá cẩn trọng. Nền kinh tế từ nay đến giữa năm sau ở giai đoạn phục hồi, sau đó mới tính tới câu chuyện tăng trưởng. ĐB đề nghị Chính phủ triển khai 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế: Sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên và củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung rà soát và sửa đổi thể chế; đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ, cắt giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công…

Chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo

Theo ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội), để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, chúng ta phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là cơ chế về thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư toàn xã hội. Theo đó, cần rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và DN. “Biện pháp “tiếp máu” cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo”- ĐB nói.

Đối với gói đầu tư công, ĐB đề nghị gói này cần tập trung vào các dự án trọng điểm quốc gia và Quốc hội giám sát chặt chẽ. Phần còn lại đề nghị dành cho bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế và đề nghị thúc đẩy hình thức đối tác công tư. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh toàn dân để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp. “Chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam”- ĐB nói.

Cũng đề cập đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách như cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy. Việc lựa chọn cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất, gỡ bỏ những rào cản đối với môi trường kinh doanh và đời sống của người dân, giúp cắt giảm chi phí, rủi ro mà người dân, DN phải gánh chịu.

Đề cập việc tiếp tục tìm giải pháp cho các hoạt động kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đề xuất, nên có chính sách cho phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái. Đây là mô hình khu công nghiệp hướng tới việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường không những mang lại nhiều giá trị gia tăng cho các DN mà còn đóng góp to lớn trong việc giảm thiểu tác động của các dự án sản xuất, môi trường, góp phần xây dựng kinh tế tuần hoàn.

Hiến kế phục hồi và phát triển du lịch

Quan tâm đặc biệt đến việc phục hồi và phát triển du lịch, ĐB Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng, Chính phủ nên cân nhắc hỗ trợ tài chính và đào tạo lại đảm bảo sự tồn tại của DN và người lao động du lịch. Trong đó hỗ trợ tài chính trực tiếp, linh hoạt cho các DN nhỏ, siêu nhỏ, lực lượng lao động du lịch và người dân kinh doanh dịch vụ công cộng. Tạo cơ chế đối thoại trao đổi thông tin hiệu quả giữa chính quyền các DN và tổ chức xã hội để nhanh chóng đưa ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tận dụng các cơ hội cho phục hồi, phát triển du lịch trong giai đoạn bình thường mới.

ĐB cũng nhấn mạnh tới việc xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch. Giải pháp ưu tiên là ban hành chính sách và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo được sự tin tưởng của khách du lịch.

Cùng quan tâm vấn đề phát triển kinh tế du lịch thời kỳ hậu Covid-19, theo ĐB Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), để thúc đẩy ngành kinh tế khôn khói trong thời gian tới, nên tăng năng lực cho DN du lịch về phát triển bển vững cơ cấu lại hoạt động xúc tiến quảng bá, định vị thị trường mnục tiêu, xây dựng sản phẩm phù hợp, ưu tiên xây dựng các gói kích cầu. Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, sản xuát hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội): Nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ

Căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua 2019, 2020, 2021 trong chính sách tài khóa, việc miễn, giảm thuế đã được áp dụng liên tục như một giải pháp hữu hiệu và trong năm 2022 rất nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng. Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế, dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn, giảm thuế. Thời điểm hiện nay, nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất, kinh doanh sẽ là cần thiết và hợp lý hơn. Đồng thời, rà soát tổng thể để có một khuôn khổ pháp lý vững chắc, ổn định, đặc biệt là mang tính dự báo cao trong những năm tiếp theo như với những biện pháp tiền tệ mạnh mẽ thì việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết; sớm ban hành luật về xử lý nợ xấu.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Đặt hàng để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm ưu tiên

Để kinh tế trong nước không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, các DN không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, "đặt chân" vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, các DN và nền kinh tế phải được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư theo 2 hướng chính: Thứ nhất, có chính sách cấp bù lãi suất để các DN được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Thứ hai, có các giải pháp mới mang tính khác biệt, đó là đặt hàng để các DN trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển. Có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng, gồm đường sắt; kinh tế biển và hạ tầng công nghệ số.