Người dân “chấm điểm” cán bộ
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhằm giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân nhanh gọn nhất, công tác cải cách TTHC luôn được TP xác định là nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo quyết liệt. Với 1.749 TTHC đang được thực hiện trên toàn TP, hiện 100% đã được giải quyết theo “một cửa”; 100% quận, huyện, thị xã xây dựng “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” theo hướng hiện đại; 94% TTHC được thực hiện thông qua “một cửa”, một cửa liên thông (MCLT). Nhiều nơi có tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn trên 99,5% như Sở Công Thương, GD&ĐT, LĐTB&XH; các quận, huyện Long Biên, Thanh Xuân, Thạch Thất...
Đặc biệt, từ khi thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy, nhiều cấp ủy Đảng và chính quyền đã kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) vi phạm chế độ công vụ, công chức, với trên 500 CB, CC tại các cơ quan hành chính của TP bị kỷ luật trong hơn 3 năm qua. Đặc biệt, nhiều nơi có những cách làm sáng tạo, thể hiện quyết tâm ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của CB, CC, VC trong giải quyết TTHC.
Tại UBND quận Thanh Xuân, trong nửa đầu năm nay, 100% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn. Đạt được thành công đó là do quận luôn lấy sự hài lòng của người dân để “chấm điểm” chất lượng phục vụ của cán bộ.
Từ quận đến 11 phường, tại các bàn tiếp nhận hồ sơ đều đặt “máy đánh giá mức độ hài lòng của người dân”: Khuyến khích họ ấn nút “hài lòng”, “không hài lòng”, hoặc ý kiến khác, sau mỗi lần nhận kết quả TTHC. Nếu để hồ sơ quá hạn, cán bộ phải giải trình với dân và cả lãnh đạo quận.
Chị Nguyễn Thị Phượng (số 2 Tô Vĩnh Diện, phường Khương Trung) đang kê khai thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại bộ phận “một cửa” của quận chia sẻ: “Một số lần đến làm hồ sơ hành chính, tôi đều được giải quyết nhanh gọn, đúng quy trình, cán bộ đón tiếp rất nhã nhặn”. Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu nhận định: “Mỗi khi cần giải quyết hồ sơ, dù có rất nhiều địa điểm để chọn nhưng người dân có đến với mình hay không trước hết do thấy thái độ phục vụ, tác phong giao tiếp của cán bộ có thân thiện, giải quyết nhanh gọn không… Quận phấn đấu hết 2015, trên 80% người dân, DN hài lòng về hiệu quả giải quyết TTHC và sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước”.
Còn UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) phát phiếu khảo sát cho từng công dân, tổ chức sau khi nhận kết quả giải quyết TTHC. Theo đó hơn một năm nay, trên 95% số phiếu rất hài lòng, không có ý kiến không hài lòng. Phó Chủ tịch UBND phường Đặng Xuân Hải nhấn mạnh: “Mỗi địa bàn có khó khăn riêng. Với trên 1,9 vạn dân, thiếu cơ sở vật chất, mặt bằng chưa đủ chuẩn, CB, CC phường càng phải cố gắng để trả kết quả hồ sơ nhanh nhất. Cần xác định trách nhiệm của mình là trách nhiệm phục vụ”.
Chuẩn hóa yếu tố con người
Theo đánh giá của lãnh đạo TP, trong khi con người là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của công tác CCHC, nhưng ở một số nơi vẫn có những kêu ca của người dân về thái độ phục vụ của cán bộ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Thủ đô tuy đã cải thiện song một số tiêu chí đánh giá còn thấp, trong đó có tính năng động và tiên phong của chính quyền, chi phí không chính thức, thời gian thực hiện quy định của Nhà nước. Cá biệt, một số cấp ủy Đảng chưa quyết liệt trong chỉ đạo CCHC và còn coi đây là nhiệm vụ của chính quyền; một số CB, CC chưa làm hết trách nhiệm, chưa tận tình hướng dẫn tổ chức, công dân...
Không nhìn vào những “báo cáo thành tích”, những yếu kém này chỉ được thể hiện rõ qua phản ánh chân thực của người dân hay những buổi kiểm tra công vụ đột xuất.
Tại nhiều UBND xã, thị trấn trong giờ hành chính không có lãnh đạo trực giải quyết công việc tại trụ sở, không bố trí cán bộ trực tiếp công dân, không có sổ sách theo dõi việc tiếp dân và giải quyết khiếu nại; không công khai lịch tiếp dân của lãnh đạo UBND, đường dây nóng; không có phòng tiếp dân riêng, không có sổ và hòm thư góp ý... Nhiều bộ phận “một cửa” như ở xã Tân Dân (huyện Phú Xuyên), xã Liên Ninh (huyện Thanh Trì), thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức)... không công khai đầy đủ bộ TTHC thuộc thẩm quyền. Đáng nói hơn, bộ phận “một cửa” tại không ít nơi vẫn để người dân chạy lòng vòng, nhất là trong lĩnh vực địa chính.
Theo Sở Nội vụ, điều này hoàn toàn trái với nguyên tắc “một cửa”: Người dân nộp hồ sơ tại đâu thì phải được nhận kết quả tại đó, không thể có chuyện “cán bộ thích trả ở đâu thì trả”. Kiểm tra đột xuất hòm thư góp ý tại nhiều cơ quan, nhất là tại BHXH một số quận, huyện, vẫn nhận được phản ánh về thái độ thiếu tôn trọng công dân của cán bộ “một cửa”.
Trước những thực tế này, Ban Chỉ đạo Chương trình 08 kiến nghị Thành ủy cần lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ công tác CCHC và xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của TP nhiệm kỳ tới; kết quả thực hiện Chương trình phải được coi là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị, phân loại tổ chức cơ sở Đảng hàng năm. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho rằng, cùng với giải pháp nâng cao năng lực, trình độ thì cũng cần có chế độ đãi ngộ, chính sách hợp lý cho cán bộ chuyên trách công tác CCHC các cấp.
Một nhiệm vụ quan trọng của công tác CCHC mà TP xác định thời gian tới là chú trọng đổi mới lề lối làm việc của CB, CC, VC, giảm mạnh hội họp và giấy tờ hành chính; tăng cường đầu tư hạ tầng và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và giải quyết TTHC, đưa tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp tại các cơ quan nhà nước TP đạt 50% vào năm 2020. |
Làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải
|
Phó trưởng Phòng Nội vụ quận Tây Hồ Lê Thị Phương Lan: Bớt khâu trung gian, tạo thuận lợi cho cán bộ cơ sở Khi một sở, ngành tham mưu cho TP soạn thảo, ban hành và công bố TTHC mới thì cũng nên trực tiếp tập huấn cho cán bộ “một cửa” và chuyên môn của lĩnh vực đó tại các cấp. Chẳng hạn về tài nguyên môi trường có rất nhiều TTHC mới hoặc sửa đổi, nếu để Sở Nội vụ chủ trì tập huấn là không phù hợp, dù đây là cơ quan thường trực về CCHC, mà Sở TN&MT nên trực tiếp “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ cơ sở tận cấp xã. Bớt các khâu trung gian, cán bộ cơ sở sẽ nhanh hiểu rõ công việc hơn so với việc tự mò mẫm tìm hiểu văn bản. |
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên Bùi Văn Thắng: Cấp xã mong được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho bộ phận “một cửa” Tiến hành CCHC tại cấp xã vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu thốn. Trong đó, việc niêm yết nhiều TTHC đôi khi còn hình thức, không thuận tiện cho người dân theo dõi và thực hiện. Cùng với nỗ lực của xã, chúng tôi rất mong được các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tạo kinh phí mua sắm trang thiết bị cho bộ phận “một cửa”, nhất là phần mềm và máy tra cứu văn bản theo đúng trình tự. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho tổ chức và Nhân dân, thể hiện được tính công khai minh bạch các TTHC. |
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân: Cần thường xuyên đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ CCHC là công tác phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nên rất cần có chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng và chính quyền; gắn với chỉnh đốn Đảng và thực hiện tốt quy chế dân chủ. Không những phải sát thực tế, có lộ trình thích hợp mà khi thực hiện CCHC, các cấp chính quyền rất cần thường xuyên kiểm tra mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với CB, CC làm công tác này, nhằm kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, công chức có sáng kiến và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. |