Chính vì lẽ đó mà việc cải cách các thủ tục hành chính được đặt ra là hết sức cần thiết, phải nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung, đồng thời loại bỏ ngay những thủ tục rườm rà không đáng có. Giải quyết các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa hoặc một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân được tiếp cận và hoàn thành các thủ tục với thời gian ngắn nhất. Vậy mà ngay trong thời cải cách, các thủ tục vẫn tiếp tục phiền hà và kéo dài tưởng như vô hạn, chỉ xin đơn cử một vài việc mà chính bản thân tôi gặp phải. Chẳng biết có phải cái số tôi xui hay không mà khi tôi đi nhập khẩu cho cháu ngoại tôi chưa đầy tháng tuổi vào hộ khẩu của mẹ cháu, thì cán bộ quản lý hành chính yêu cầu phải có giấy xác nhận “con chưa nhập về với bố” thì mới được nhập về với mẹ (đây là cháu thứ 2, cháu đầu tôi cũng đi nhập khẩu cho cháu nhưng chưa có thủ tục này). Tôi thiết nghĩ một đứa trẻ sơ sinh dù bố mẹ chúng có bỏ nhau thì quyền nuôi con vẫn thuộc về người mẹ, vậy thì việc nhập khẩu về với mẹ là lẽ đương nhiên sao lại phải đẻ thêm ra thủ tục? Một đứa trẻ ra đời cùng với việc khai sinh, nhập khẩu là làm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Việc làm thẻ BHYT cho cháu mới thực sự vất vả làm sao, sau khi khai sinh cho cháu tôi được hướng dẫn nộp lại một bản sao có ghi số điện thoại của gia đình vào phía sau, hai tháng sau đến nhận thẻ. Hai tháng sau, tôi đến thẻ đã có nhưng sai tên, tôi phản ánh sự sai sót đó và lại được hẹn hai tuần sau sẽ có. Hai tuần sau tôi đến lại được hẹn đến cuối tuần sau vì bận chưa đi lấy được. Và cứ thế, mỗi cuối tuần vào buổi chiều thứ sáu tôi lại có mặt, nhân viên của ủy ban lại đưa ra vô vàn lý do, nào là bận nhiều việc quá, bận đi học, bận phát lương, cơ quan bảo hiểm vẫn chưa làm, có đến bảo hiểm nhưng quên không hỏi, nhân viên bảo hiểm nghỉ con ốm… Cuối cùng là cơ quan bảo hiểm làm mất rồi, ông vui lòng cho xin một bản sao giấy khai sinh của cháu để làm lại. Hôm ấy là 25 tháng 06 năm 2013, cháu tôi đã được 08 tháng 02 ngày. Tôi đành ngậm ngùi về lấy một bản sao đưa lại và cũng được hẹn khoảng 2 tuần. Hai tuần sau, tôi đến vẫn chưa có và được hẹn phải đến cuối tuần sau nữa. Cuối tuần, tôi đến thì nhân viên bảo hiểm đi nghỉ mát nên chưa làm được phải sang cuối tuần sau. Tôi vẫn chăm chỉ đến đều vào các buổi chiều thứ 6 hàng tuần và cái tôi nhận được vẫn chỉ là những cái lắc đầu vẫn chưa có. Vậy là đến ngày 23 tháng 08 năm 2013, cháu tôi tròn 10 tháng tuổi mà vẫn chưa được hưởng quyền của trẻ em về BHYT, một chế độ ưu việt của Đảng và nhà nước dành cho trẻ em. Lại nói đến hành trình làm giấy CNQSDĐ (sổ đỏ), gia đình tôi đã làm đơn và hồ sơ đầy đủ, UBND phường đã tiến hành đo đạc 2 lần và xác nhận vào tháng 04 năm 1998, vậy mà đến tháng 10 năm 2011 mới được xem xét, cũng may đến tháng 08 năm 2012 thì gia đình tôi được nhận sổ. Hành trình 14 năm cho một quyển sổ đỏ không phải là dài so với một đời người, nhưng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác là mình vẫn còn sống và được ngắm nhìn màu hồng của quyển sổ. Cuối năm nhận được thông báo nộp thuế của chi cục thuế Ba Đình với đúng diện tích ghi trên giấy CNQSDĐ, mà tôi là thương binh ¾ nên được giảm 50%, tôi đã đến UBND phường đóng thuế đúng ngày. Vậy mà sang đầu năm 2013, tôi lại nhận được thông báo nộp thuế tiếp năm 2012. Tôi đã gửi lại thông báo và báo với bộ phận thu thuế về sự nhầm lẫn này. Vậy mà cuối tháng 7/2013, tôi lại nhận cùng lúc cả 2 thông báo nộp thuế (Giấy CNQSDĐ mang tên 2 người ). Tôi không được giảm mà còn mà còn được cộng dồn cả thuế của năm 2012, lại một sự nhầm nhọt có lẽ do bộ nhớ của cái máy tính nó nhầm? Tôi đang sống ở một quận được gọi là trung tâm hành chính, chính trị quốc gia, tôi không thể hình dung nổi ở vùng sâu, vùng xa các thủ tục hành chính ấy được họ hành xử ra sao? Giải pháp nào để mọi tổ chức, cá nhân đều được tiếp cận và hoàn thành các thủ tục hành chính một cách thuận tiện với khoảng thời gian ngắn nhất. Việc sửa đổi, bổ sung, loại bỏ các thủ tục không đáng có trong mọi lĩnh vực là hết sức cần thiết. Việc tăng cường trang thiết bị máy móc để đáp ứng nhu cầu làm việc là việc không thể thiếu. Nhưng yếu tố cốt lõi nhất vẫn phải là con người, trước hết phải là những người có tâm, có đức, có năng lực, được đào tạo thật, học thật, bằng cấp thật, thi tuyển công chức thật, không đấu thầu công chức, không lợi dụng các mối quan hệ để được làm công chức. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải luôn nêu cao tinh thần trách nhệm của mỗi cá nhân, khắc phục những tồn tại hạn chế yếu kém, thường xuyên học tập và tu dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.