Cải cách thủ tục hành chính thuế để đảm bảo nguồn thu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính thuế. Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam khẳng định, khi thực hiện các giải pháp trên sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp đồng thời tạo nguồn thu ngân sách được đảm bảo hơn.

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính thuế. Trả lời phỏng vấn báo chí, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam khẳng định, khi thực hiện các giải pháp trên sẽ tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp đồng thời tạo nguồn thu ngân sách được đảm bảo hơn.
Theo yêu cầu của Chính phủ đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế xuống còn không quá 300 giờ/năm. Vậy nỗ lực này đang được Tổng cục Thuế hiện thực hoá như thế nào, thưa ông? 

- Cơ quan Thuế các cấp từ T.Ư đến địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hiện thực hoá mục tiêu tạo thêm nhiều thuận lợi cho người nộp thuế. Với việc đề ra 7 nhóm giải pháp, ngành thuế sẽ tập trung vào: Nhóm giải pháp sửa đổi bổ sung chính sách thuế (bổ sung hướng dẫn về thuế GTGT, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, quản lý thuế... nhằm đơn giản hoá các thủ tục đăng ký, cấp mã số thuế; kê khai, mua hoá đơn, nộp thuế, quyết toán thuế);  Nhóm giải pháp về hiện đại hoá công tác thu nộp thuế như phấn đấu khoảng 95% DN khai và nộp thuế qua mạng internet; mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử tại 18/63 cục thuế tỉnh, TP; Xây dựng đề án thí điểm kê khai qua mạng đối với cá nhân (không phải hộ kinh doanh) về thuế thu nhập cá nhân, phí trước bạ, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế đối với cho thuê nhà…; Nhóm giải pháp về quy trình nghiệp vụ, trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thuế các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp quản lý,…
Cải cách thủ tục hành chính thuế để đảm bảo nguồn thu - Ảnh 1
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm thủ tục hoàn thuế tại Cục thuế Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Theo chiến lược cải cách thuế, phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 70% người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp. Đến năm 2020, tỉ lệ hài lòng sẽ lên tới 80%.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm số giờ nộp thuế, ngành Thuế làm thế nào để kiểm soát được gian lận, chống thất thu?

- Theo thông lệ quốc tế thì một cơ chế quản lý hiệu quả là dựa quản lý rủi ro để thanh, kiểm tra. Chúng tôi đã xây dựng và dần hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá rủi ro, thực hiện quản lý thuế theo rủi ro nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Chẳng hạn như: Đánh giá lịch sử tuân thủ pháp luật về thuế của đối tượng nộp thuế, sự biến động về kê khai thuế qua các kỳ và hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN; dựa trên phân loại quy mô DN, doanh thu và thuế thu nhập DN phát sinh hàng năm. Đề xuất, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan thuế địa phương trong nội bộ ngành và với các đơn vị quản lý ngoài ngành phục vụ công tác xác định và đánh giá rủi ro. 

Hàng năm chúng tôi đều xây dựng kế hoạch thanh tra, tinh thần sẽ tăng thanh tra, kiểm tra. Xu hướng chung của các cơ quan thuế trên thế giới để tiến tới quản lý hiệu quả là thực hiện các chương trình nhằm tăng cường sự tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế (NNT), giúp tạo điều kiện thuận lợi cho NNT hiểu và chấp hành nghĩa vụ đồng thời xử lý thích đáng đối với những hành vi không tuân thủ.

Trong bối cảnh DN vẫn khó khăn, lại thêm những quy định tạo điều kiện thông thoáng cho DN, liệu mục tiêu thu ngân sách vượt trên 5% dự toán được giao có hoàn thành trong năm nay hay không? 

- Năm 2014  bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn, tôi cho rằng, cải cách thủ tục thuế sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho DN nhưng cái được lớn hơn cả là tăng thời cơ kinh doanh, tăng sức cạnh tranh cho DN. Tôi tin rằng khi thủ tục hành chính thuận lợi hơn, các DN hoạt động hiệu quả hơn thì nguồn thu ngân sách chắc chắn sẽ ngày càng được đảm bảo hơn.
Cải cách thủ tục hành chính thuế để đảm bảo nguồn thu - Ảnh 2
Làm thủ tục về thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Tâm Anh
Trong những tháng cuối năm cơ quan Thuế các cấp sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý; triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp quản lý thu đã đề ra từ đầu năm... phấn đấu hoàn thành vượt trên 5% dự toán thu NSNN năm 2014 đã được giao.

Các DN cần lưu ý tới những vấn đề gì để vừa khai thác tốt những tác động từ cải cách, vừa hỗ trợ cơ quan quản lý đạt được mục tiêu đề ra?

- Về phía các DN, nghĩa vụ quan trọng của DN là tuân thủ tốt những quy định đặt ra. Bên cạnh việc thường xuyên cập nhật các chính sách, quy định quản lý và nghiệp vụ mới, NNT cũng cần có thói quen định kỳ rà soát lại công tác tuân thủ về thuế, để phát hiện các sai sót có thể phát sinh và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời. Ngoài ra cần kịp thời phản ánh những khó khăn, bất cập mà DN gặp phải khi thực hiện thủ tục hành chính.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định 91/2014/NQ-CP bổ sung một số điều tại 4 Nghị định về thuế. Đó là các Nghị định 83/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Nghị định số 218/2013/NQ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN; Nghị định 209/2013/NQ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT; Nghị định 65/2013/NQ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo Bộ Tài chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp trong Nghị định mới sẽ góp phần giảm số giờ nộp thuế khoảng 88,36 giờ/năm cho DN, trong đó thuế GTGT giảm 41,36 giờ và thuế TNDN giảm 47 giờ, số lần nộp thuế giảm 12 lần/năm trong đó thuế VAT giảm 8 lần/năm, thuế TNDN giảm 4 lần/năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần