Cải cách thủ tục hành chính

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay theo thống kê của Bộ Công an và Bộ Lao động thương binh và xã hội cả nước có khoảng 160.000 người nghiện ma túy, số người nghiện được nhà nước đưa vào các cơ sở chữa bệnh chiếm khoảng 50-60%, Hà Nội có khoảng gần 10.000 người đang được quản lý trong các cơ sở chữa bệnh và quản lý sau cai nghiện.

Tuy nhiên tỉ lệ tái nghiện sau cai nghiện rất cao gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, vì vậy Chính phủ đã ban hành nghị định số 94 ngày 26 /10/2009 về việc quản lý người nghiện sau cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh.

Thực trạng tình hình người nghiện ma túy và những bất cập

Những thủ tục hành chính liên quan đến việc lập hồ sơ xét duyệt để đưa một học viên đang cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh sang cơ sở quản lý sau cai về thời gian phải mất tới 45 ngày là chưa hợp lý, ngoài ra các cấp chính quyền ở một số địa phương nơi học viên cư trú còn xác nhận không đúng thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung theo các mẫu số 08, 07 về xác nhận hộ khẩu và tình trạng nghề nghiệp của học viên đó, từ đó ảnh hưởng phức tạp, phiền toái không nhỏ cho công tác quản lý của cơ sở chữa bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người đang cai nghiện tại cơ sở chữa bệnh và gia đình họ, ảnh hưởng tới chính sách của Đảng và nhà nước.

Đồng thời kinh phí của nhà nước phục vụ công tác lập hồ sơ xét duyệt, công tác bàn giao học viên về cộng đồng (nơi học viên cư trú) bàn giao giữa các cơ sở chữa bệnh và Trung tâm quản lý sau cai nghiện là rất lớn gây ra sự lãng phí cho ngân sách.

Ví dụ: Học viên Nguyễn Văn A đến thời gian lập hồ sơ xét sau cai theo nghị định 94/NĐ-CP, trong hồ sơ đó có 02 biểu mẫu cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường.

+ Mẫu 07: Xác nhận về tình trạng nghề nghiệp của học viên A trước khi vào cơ sở chữa bệnh.

+ Mẫu 08: Xác nhận về hộ khẩu đăng ký thường trú của học viên A tại địa phương.

Tuy nhiên do nhận thức chưa đầy đủ của một số cán bộ chính quyền cấp xã mà mẫu số 07 chỉ xác nhận học viên A có hộ khẩu thường trú tại địa chỉ a, b, c thuộc xã, phường đó.

Từ đó đã gây ra không ít phiền toái và khó khăn trong việc xét duyệt của hội đồng sau cai của cơ sở chữa bệnh, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của học viên Nguyễn Văn A và gia đình.

Về kiến nghị giải pháp

- Đối với các cấp ban hành nghị định, thông tư: Nghiên cứu trên cơ sở chính sách xã hội hiện hành, phù hợp với trong nước và quốc tế, xây dựng một văn bản luật, nghị định mang tính thông suốt, bao hàm tất cả các vấn đề liên quan đến công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện ma túy, tránh tình trạng như hiện nay có rất nhiều văn bản liên quan tới lĩnh vực này có sự chồng chéo về nội dung gây lúng túng cho địa phương và các cơ sở chữa bệnh.

- Đối với các cấp thực hiện: Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này phải xuất phát từ nhận thức đúng đắn của đội ngũ cán bộ thực hiện, thực hiện nghiêm chỉnh theo các quy định hiện hành, đúng thẩm quyền được giao, không làm khó trong công tác quản lý người đang cai nghiện tại các cơ sở chữa bệnh.

- Đối với các cấp thanh, kiểm tra: Tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người cai nghiện cũng như đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của người thi hành công vụ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan.

- Đối với các đoàn thể xã hội: Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thấy được lợi ích của việc cai nghiện ma túy và công tác quản lý sau cai nghiện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cở sở chữa bệnh vận động người thân của học viên chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và nhà nước đã đề ra, giúp những người lầm lỡ thành công dân có ích, có sức khỏe và tinh thần ổn định, tích cực xây dựng xã hội phát triển ổn định, gia đình ấm no, hạnh phúc.