Kinhtedothi - Đây là nội dung chính trong kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ của Chính phủ tại Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh.
Minh họa. Nguồn Internet
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải cách toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ, Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Kiên quyết thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành theo thông lệ quốc tế, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro. Trong năm 2016, phải giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 30 - 35% hiện nay xuống còn 15%. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam rà soát cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra theo hướng kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra, phối hợp với bộ có liên quan xác định rõ trách nhiệm của từng bộ đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa tránh chồng chéo. Trường hợp có ý kiến khác nhau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, công nhận kết quả kiểm tra của các nước đã ký kết hiệp định công nhận lẫn nhau với Việt Nam; rà soát các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập khẩu, hải quan, bảo đảm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành chậm nhất ngày 30/9/2016, nghiêm túc nghiên cứu các phản ánh về các vướng mắc, khó khăn, bất hợp lý và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp về vấn đề kiểm tra chuyên ngành, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, thông báo công khai và trả lời cho doanh nghiệp. Các bộ tiếp tục chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động nâng cao năng lực các đơn vị kiểm tra chuyên ngành và tại các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung. Thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn đối với các đơn vị sự nghiệp có nhiệm vụ kiểm tra nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu xã hội hóa mạnh mẽ công tác này, tránh độc quyền, tạo cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kiểm tra chuyên ngành. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu đầu tư các điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung, xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành. Bộ Tài chính có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng văn bản điện tử của đại lý hải quan. Các bộ có trách nhiệm xem xét, quyết định áp dụng văn bản điện tử trong kiểm tra chuyên ngành, trường hợp không áp dụng phải có giải trình cụ thể, công khai. Các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra chuyên ngành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra với hải quan, thực hiện tốt cơ chế một cửa quốc gia. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ về vấn đề kiểm tra hiệu suất năng lượng, dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu; có đề xuất sửa đổi cụ thể nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu theo hướng chủ động công nhận và dán nhãn các phương tiện, thiết bị nhập khẩu (trong đó có động cơ) xuất xứ từ các nước có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn Việt Nam, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Trong khi chưa sửa đổi các văn bản có liên quan thì thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ.