Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cái dớp bước chưa qua

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với quyết định từ chức sau có 15 tháng cầm quyền, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã trở thành bằng chứng mới nhất cho một truyền thống chính trị thật chẳng hay ho gì trên chính trường Nhật Bản là thời gian trị vì của các vị đứng đầu Chính phủ Nhật Bản không được lâu.

Người ta còn coi đó là cái dớp chính trị, thậm chí một lời nguyền về quyền lực ở xứ Phù Tang.
 
Ông Kan là Thủ tướng Nhật Bản thứ 5 trong thời gian 5 năm qua và là Thủ tướng thứ 2 thuộc Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) kể từ khi đảng này lên nắm quyền năm 2009 đến nay. Công bằng mà nói, gần như không có ai trong số tất cả những người tiền nhiệm của ông Kan lại gặp nhiều khó khăn phức tạp đến như vậy khi cầm quyền. Cái dớp mà cũng còn có thể coi là truyền thống chính trị rất đặc thù ở Nhật Bản là trong mọi vấn đề không bao giờ có tiếng nói chung giữa phe cầm quyền và phái đối lập nên chính trường luôn bị phân rẽ, nội bộ đảng cầm quyền và liên minh cầm quyền chỉ đoàn kết nhất trí khi tranh đấu giành quyền và phân bè chia phái cũng như huynh đệ tương tàn khi nắm quyền. Theo qui định ở Nhật Bản, người đứng đầu đảng phái chính trị lớn nhất trong Hạ viện sẽ trở thành Thủ tướng. Vì thế, nếu người đứng đầu đảng này không có đủ uy và thế, không khôn khéo và có bản lĩnh, không để tâm nhìn xa trông rộng và luôn chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các loại chính biến trong cung đình thì việc bị thay thế chỉ là vấn đề thời gian. Ông Kan chỉ là trường hợp mới nhất. Nhìn vào 5 ứng cử viên đã nhảy ra tranh đấu để trở thành người kế nhiệm ông Kan cũng lại thấy tranh giành quyền lực là chính và được ưu tiên hàng đầu chứ không phải đoàn kết thống nhất nội bộ đảng để phục hồi uy tín cho đảng cầm quyền, củng cố vị thế cầm quyền và cùng nhau tìm cách giải quyết những vấn đề khó khăn cấp thiết hiện tại của đất nước. Xem ra, không ai trong số này có thể bước qua được cái dớp ấy, hoá giải được lời nguyền ấy.

Ông Kan buộc phải từ chức trước hết vì không có được sự hẫu thuẫn cần thiết trong đảng cầm quyền, vì kế thừa những vấn đề khó khăn lâu nay của đất nước về kinh tế và xã hội không thể giải quyết được trong chốc lát cũng như nếu không có được sự đồng thuận của toàn xã hội, và đặc biệt vì thiên tai và thảm hoạ hạt nhân khiến nước Nhật phải đối phó với thách thức lớn nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.Tân Thủ tướng Nhật Bản kế nhiệm ông Kan nhờ bối cảnh tình hình ấy, nhưng nhiều khả năng rồi cũng sẽ vì thế mà số phận chính trị chẳng khác ông Kan nhiều nhặn gì.