Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cái kết đắng cho đối tượng lừa đảo trong giải phóng mặt bằng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luôn giới thiệu bản thân có mối quan hệ thân thiết, dễ dàng “chạy” thêm đất tái định cư cho người dân khi phải GPMB.

Tuy nhiên, trước vành móng ngựa, Đăng hiện nguyên hình là đối tượng lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của các nạn nhân.

Đòi tiền tỷ để xin... “cơ chế”

Đầu tháng 7/2016, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với Đặng Văn Đăng (SN 1975, trú ở phố Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại là các gia đình có đất bị GPMB khi mở rộng tuyến phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên.

Lật lại thời gian cuối năm 2014, Công an quận Long Biên nhận được đơn tố cáo của người dân trên địa bàn về việc Đặng Văn Đăng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của người dân 3,7 tỷ đồng trong việc nhận làm dịch vụ cấp đất tái định cư. Tiến hành điều tra, cơ quan công an đã làm rõ hành vi lừa đảo của đối tượng. Theo đó, Đăng thành lập Công ty CP DAMASA vào năm 2008 với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng dân dụng, trụ sở đặt tại phố Ngô Gia Tự. Năm 2010, tuyến phố này nằm trong diện GPMB nên Đăng chuyển Công ty vào khu đô thị Việt Hưng ở gần đó. Cùng thời điểm này, nhận thấy nhiều hộ dân cùng trong diện GPMB có thắc mắc về diện tích đền bù nên Đăng nảy sinh ý định lừa đảo. Sẵn có thời gian sống tại phố Ngô Gia Tự, Đăng lân la, làm quen với nhiều hộ gia đình trong diện phải GPMB. Để tạo sự tin tưởng, Đăng trực tiếp hoặc thông qua người quen giới thiệu với người dân là mình có mối quan hệ thân thiết với các cơ quan có thẩm quyền. Bằng các mối quan hệ này, Đăng có thể xin tăng diện tích được cấp đất tái định cư và tăng tiền đền bù đất bị thu hồi cho người dân. Chỉ cần nhờ qua Đăng “xin cơ chế”, người dân sẽ được hưởng lợi thêm rất nhiều...
Đặng Văn Đăng tại tòa.
Đặng Văn Đăng tại tòa.
Một trong những người tin tưởng và nhờ Đăng “chạy” dịch vụ là ông Nguyễn Hữu Nhạ (ở phường Giang Biên). Theo đó, năm 2010, gia đình ông Nhạ phải GPMB gần 200m2 và được cấp 90m2 đất tái định cư tại phường Giang Biên. Đăng hứa hẹn xin cho ông Nhạ được thêm 80m2 đất tái định cư nhưng phải đưa cho mình 2 tỷ đồng tiền “bôi trơn”. Mong muốn được thêm suất đất tái định cư, ông Nhạ  đã đưa Đăng 2 tỷ đồng. Cầm tiền trong tay, Đăng cam kết chỉ sau 2 - 3 tháng là ông Nhạ có được điều mong muốn. Tuy nhiên, quá hẹn, ông Nhạ vẫn không thấy “tăm hơi” đất tái định cư đâu. Lờ mờ nhận thấy dấu hiệu bị lừa đảo, ông Nhạ nhiều lần đòi lại số tiền thì luôn nhận được câu trả lời” “Đã đưa hết cho những người có thẩm quyền cấp thêm đất bền bù”. Để tạo thêm sự tin tưởng, Đăng đã viết giấy biên nhận với nội dung cầm tiền để giúp ông Nhạ các thủ tục về đất tái định cư. Cuối năm 2011, ông Nhạ làm đơn khiếu nại gửi tới cấp có thẩm quyền nên sau đó được Hội đồng đền bù GPMB xem xét và cấp thêm cho 30m2 đất tái định cư nữa. Dù biết Đăng không làm gì giúp việc được cấp thêm đất nhưng ông Nhạ vẫn chấp nhận trừ nợ cho Đăng 1 tỷ đồng và viết lại giấy hẹn trả nợ. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, Đăng vẫn không trả lại tiền. Cực chẳng đã, ông Nhạ buộc phải tố cáo hành vi lừa đảo của Đăng tới cơ quan công an.

Cũng giống như ông Nhạ, sau khi bị GPMB hơn 100m2 và được cấp 79m2 đất tái định cư, bà Nguyễn Thị Ngọc (trú ở phường Đức Giang) cũng muốn được thêm một phần diện tích đất tái định cư nữa. Được giới thiệu, tháng 8/2010, bà Ngọc đến gặp Đăng nhờ “chạy” dịch vụ. Với thủ đoạn cũ Đăng hứa hẹn xin tăng thêm cho gia đình bà Ngọc 40m2 đất với chi phí 1 tỷ đồng. Ngoài ra còn hào phóng cam kết giúp bà Ngọc thay đổi được giá đền bù đất bị thu hồi từ 16 triệu đồng/m2 lên thành 32 triệu đồng/m2, và để được mức đền bù gấp đôi này chỉ phải đưa cho Đăng 700 triệu đồng. Tin tưởng vào những lời nói này, bà Ngọc đã đưa 1,7 tỷ đồng cho Đăng. Thời điểm giao tiền, bà Ngọc cũng được hứa chỉ 2 - 3 tháng sẽ hoàn thành việc “chạy” dịch vụ.

Tương tự gia đình ông Nhạ, sau khi quá hạn hứa hẹn của Đăng, gia đình bà Ngọc cũng không nhận được thêm sự ưu đãi nào liên quan đến việc đền bù GPMB. Thời gian sau đó, bà Ngọc đã làm đơn và được Hội đồng đền bù GPMB đền bù thêm 28m2 đất. Còn đối với việc tăng giá đền bù diện tích đất bị thu hồi, bà Ngọc càng chờ đợi theo lời hứa lại càng thất vọng. Biết đã bị lừa đảo chiếm đoạt tiền, bà Ngọc nhiều lần đến Công ty của Đăng để đòi tiền. Tuy nhiên, Đăng tráo trở cho rằng, việc xin thêm đất tái định cư thành công là do mình đã “chạy” dịch vụ, một phần tiền mà bà Ngọc đưa đã biếu cán bộ chức năng... Thời gian sau đó, Đăng luôn thoái thác vòng vo không trả khoản tiền 1 tỷ đồng đã biên nhận trước đó. Sau gần một năm bà Ngọc liên tục đòi tiền, Đăng chỉ trả 300 triệu đồng, số còn lại liên tục khất lần. Biết không thể đòi lại số tiền này, bà Ngọc tố cáo tới cơ quan công an.

Chối cũng không thoát tội

Không thừa nhận một mình thực hiện hành vi lừa đảo, Đăng loanh quanh chối tội. Theo đó, Đăng khai báo là đã cùng chị Lê Thị Hồng D. - Giám đốc điều hành Công ty DAMASA nhận tiền và cam kết xin thêm diện tích đất tái định cư cho 2 bị hại. Và chị D. là người trực tiếp giao dịch với một số người làm việc tại cơ quan có thẩm quyền nhằm “chạy” dịch vụ. Tuy nhiên, chị D. cùng những người liên quan đều phủ nhận lời khai của Đăng. Đồng thời, Đăng cũng không xuất trình được tài liệu chứng minh vai trò của những người có liên đới trách nhiệm. Mặt khác, công văn của Phòng TN&MT quận Long Biên khẳng định, việc triển khai GPMB và cấp thêm đất tái định cư cho hộ gia đình ông Nhạ là đúng pháp luật. Bị can Đăng và chị D. không có chức năng trong việc tham gia thực hiện công tác GPMB cũng như việc giao đất tái định cư cho gia đình ông Nhạ. Do đó, không đủ căn cứ để xác định những người liên quan đồng phạm với Đăng trong việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau quá trình nghị tội, từ những nhận định nêu trên, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội kết luận, lợi dụng việc các hộ gia đình nằm trong diện quận Long Biên thu hồi đất để GPMB làm đường Ngô Gia Tự, Đặng Văn Đăng đã dùng thủ đoạn gian dối là có quan hệ quen biết với các cơ quan có thẩm quyền có thể xin tăng diện tích được cấp đất tái định cư và tăng tiền đền bù đất bị thu hồi của họ. Với thủ đoạn này, Đăng đã chiếm đoạt của 2 nạn nhân với số tiền hơn gần 4 tỷ đồng.

HĐXX đã quyết định tuyên phạt Đặng Văn Đăng 14 năm tù theo đúng tội danh bị truy tố. Cùng với đó, tòa buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền còn chiếm đoạt của các bị hại theo đúng quy định pháp luật.