Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cái khó bó việc chuyển đổi thành doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là quan điểm và chia sẻ của các diễn giả tại buổi tọa đàm “Để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN hiệu quả, bền vững” chiều 10/4.

Hiện nay, cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Và để hoàn thành mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 thì giải pháp quan trọng là tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi và đăng ký theo Luật Doanh nghiệp. Song trong thực tế hiện còn một số rào cản khiến các hộ kinh doanh chưa thực sự “mặn mà” với việc chuyển đổi.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thủ tục rườm rà

Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hộ kinh doanh cá thể là khu vực có số lượng lớn, nhiều tiềm năng và sẽ đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế. Song độ minh bạch trong hoạt động của khu vực này tương đối thấp, cơ bản áp dụng thuế khoán đơn giản, dễ, việc thực hiện bảo hiểm xã hội, y tế tuân thủ khó khăn. Đối với khu vực này, mặc dù giải quyết trên 10 triệu lao động thường xuyên nhưng so sánh với khu vực DN mức tăng trưởng thấp hơn 12%.

Sau khi có Luật DN mới, thủ tục chuyển đổi sang DN tư nhân rất đơn giản, chỉ cần làm đơn xin thành lập DN, kèm theo chứng từ nhân thân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang mô hình DN lại không được nhiều hộ kinh doanh quan tâm. Nguyên nhân được ông Nam chỉ ra, thứ nhất, mặc dù có số lao động theo luật bắt buộc phải chuyển, nhưng nhiều chủ hộ kinh doanh không muốn chuyển sang DN đó là chủ hộ kinh doanh muốn tránh nghĩa vụ thuế. Thứ hai, hộ kinh doanh cá thể ngại các thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa phù hợp về chi phí thời gian, hoạt động sổ sách kế toán... Thứ ba, khu vực này chưa nhận thức được rằng, muốn phát triển cần chuyển sang loại hình kinh doanh chính thức để được hưởng nhiều lợi thế về tiếp cận mặt bằng, tín dụng dễ hơn...

Đồng quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều ảnh hưởng trực tiếp, tác động lớn nhất tới việc chuyển đổi là chế độ kế toán và thuế. “DN siêu nhỏ vẫn áp dụng theo DN cỡ vừa, nhỏ về các quy định kế toán, thuế khiến họ phải duy trì hệ thống báo cáo tài chính, lập báo cáo tài chính bắt buộc khi kết thúc năm, bảng cân đối tài chính, khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế,... đã khiến nhiều DN nhỏ thấy phức tạp, coi là gánh nặng lớn khi thành DN” - ông Tuấn chỉ ra.

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh được áp dụng chính sách thuế dựa trên hình thức pháp lý chứ không phải dựa trên quy mô hay khả năng lưu giữ sổ sách kế toán của DN. Chính vì vậy, ông Tuấn cho rằng, cứ chuyển đổi lên DN thì cách thức áp dụng phải khác, có nghĩa DN phải mở sổ sách, thuê kế toán, báo cáo tài chính. Nhấn mạnh đến việc cản trở khiến hộ kinh doanh e ngại chuyển đổi, ông Tuấn Nhấn cho rằng, khi có giấy chứng nhận thành lập DN thì thủ tục hành chính phức tạp hơn về: Bảo hiểm, công đoàn, thuế, lao động, phòng cháy chữa cháy... dẫn đến chi phí tăng lên.
Các diễn giả tại buổi tọa đàm.

Đơn giản hóa chính sách

Theo nghiên cứu của VCCI và các tổ chức khác, nút thắt làm giảm động lực của các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN chính thức chính là thỏa thuận về thuế, tránh thuế hay là trốn thuế của hộ kinh doanh dễ dàng hơn. Khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh thì họ vẫn được hưởng 1 chế độ là thuế khoán, mà mức khoán cao hay thấp, khoán tăng nhanh hay chậm nó phụ thuộc rất lớn vào cán bộ thuế. Điều đó, cũng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu hay chi phí của DN. Do đó, ông Tuấn cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, pháp luật về kế toán, thuế cần đơn giản, thân thiện không khác lắm với những điều hộ kinh doanh đang thực hiện và có lộ trình 2 - 3 năm cho hộ kinh doanh quen. Một trong những giải pháp quan trọng là phải rà soát, có quy định pháp luật kế toán, thuế với DN nhỏ siêu nhỏ một cách đơn giản, dễ dàng.

Nhấn mạnh tới vai trò địa phương, ông Tuấn cho biết, cần rà soát những chính sách, quy định đang làm cản trở gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi. Bởi chính sách đó có thể nằm ở luật, thông tư, chính sách của địa phương. Mỗi địa phương cần thiết chế hỗ trợ cụ thể, thông qua các nhiều kênh, nhất là phải đứng vào vị trí của hộ kinh doanh cá thể, từ đó có thể tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để họ phát triển thành DN. “Bắc Ninh đã kê bàn đăng ký kinh doanh đến tận các làng nghề hướng dẫn cụ thể, và sau đó các hộ kinh doanh chuyển lên thành DN tăng đáng kể” - ông Tuấn dẫn chứng.

"Hiện nay, chính sách của ta dường như mới chỉ hỗ trợ thành lập DN, hỗ trợ động viên khởi nghiệp nhưng nó phải xuyên suốt và nhất quán. Do đó, muốn chuyển đổi thành công, chính sách phải hỗ trợ được toàn diện trong tất cả các khâu sản xuất kinh doanh. Điều đó có nghĩa, khi thành lập DN phải tạo điều kiện phát triển ý tưởng đó một cách bền vững". 

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam