Cai nghiện ma túy, còn đó những trở ngại

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới đây, bên cạnh mô hình cai nghiện bắt buộc sẽ đẩy mạnh thực hiện cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ thành công trong cai nghiện ma túy chưa nhiều bởi còn những bất cập.

70 - 80% tái nghiện ma tuý

Tại buổi toạ đàm “Hiểm họa ma túy và Hành động của chúng ta”, sáng 14/6, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đến thời điểm này chúng ta đã hết sức nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng tình hình buôn bán và sử dụng ma túy vẫn rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Tội phạm ngày càng có tính chất liều lĩnh, buôn bán với khối lượng lớn bằng nhiều con đường khác nhau. Việc sử dụng, lạm dụng ma túy đang có chiều hướng gia tăng. Hơn 210.000 người nghiện ma túy mà Bộ Công an công bố đến cuối tháng 12/2016 chỉ là con số đếm được. Phần chìm có bao nhiêu người nghiện ma túy là câu hỏi cần tiếp tục trả lời.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, số người nghiện chủ yếu dưới 35 tuổi, là lực lượng lao động chính trong các các gia đình. Đến nay, 70% số xã và 100% tỉnh, huyện trong cả nước có người nghiện. Trước đây, nhiều vùng nông thôn bình yên bây giờ người dân cảm thấy bất an khi có người nghiện ma túy. “Sử dụng ma túy đá, tổng hợp ngày càng tăng theo chiều hướng gia tăng buôn bán. Nhiều vụ trọng án đều có nguồn gốc từ việc sử dụng ma túy, cho thấy công cuộc đấu tranh phòng, chống và sử dụng lệ thuộc vào chất gây nghiện này còn hết sức gay go và phức tạp”, ông Đàm cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Đàm cũng cho rằng, mặc dù các chuyên gia y tế thế giới, hàng đầu chỉ ra nghiện là bệnh mãn tính của não bộ nhưng có thể cai nghiện được. Thực tế đã có người cai nghiện thành công. Để làm được điều này, ngoài yếu tố bản thân người nghiện, rất cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đã hết sức cố gắng, nỗ lực nhưng hiệu quả rất thấp, có đến 70 - 80% số người nghiện ma túy tái nghiện. Lý do bởi, xã hội vẫn coi người nghiện như con bệnh lây nhiễm, nên kỳ thị, xa lánh; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người và nguồn lực còn rất hạn chế.

Cộng đồng hun đúc quyết tâm cho người nghiện

Tại buổi tọa đàm, Cục trưởng Cục phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Xuân Lập cho biết, trong số hơn 210.000 người nghiện, có 30 - 40% liên quan đến mất an toàn xã hội và hình sự. Số người nghiện còn lại là hiền lành, không gây tác hại cho xã hội thì có cho họ vào trung tâm hay cai nghiện ở nhà? Ông Lập cũng đặt ra câu hỏi: Khi người nghiện đi cai trở về, các cơ quan có nhận họ vào làm việc không? Và, hiện nay những người đi cai nghiện bắt buộc được Nhà nước lo 100%, nhưng chính sách cai nghiện tự nguyện trong các cơ sở cai bắt buộc chưa nói rõ chế độ thế nào. “Bộ LĐTB&XH đã xây dựng nghị định về cai nghiện ma túy, đang chuyển sang Bộ Tư pháp thẩm định, sau đó trình Chính phủ phê duyệt. Nghị định này điều chỉnh hai nội dung, thứ nhất là rút gọn trình tự thủ tục, hồ sơ đi cai nghiện và đối tượng cai nghiện tự nguyện được hưởng 70% so với người cai bắt buộc”, ông Nguyễn Xuân Lập cho biết.
Cai nghiện tại cộng đồng là mô hình được nhiều chuyên gia đề cập tại tọa đàm này. Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, khi cai nghiện bắt buộc có tỷ lệ tái nghiện cao, liệu hình thức cai tự nguyện có hiệu quả? Phó Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Đức Hiền thừa nhận thời gian qua, các đối tượng cai nghiện bắt buộc tái nghiện lên tới 70 - 80% vì việc thực hiện chưa đảm bảo quy trình. Hơn nữa, nhận thức và quan điểm về tái nghiện của chúng ta so với thế giới chưa giống nhau. Cai nghiện là quá trình lâu dài, tái nghiện không phải đã thất bại. Quan trọng là mỗi lần đi cai hồi phục về sức khỏe và tâm thần. Thực tế, đã có một số nơi kết nối cộng đồng và cai nghiện rất tốt như ở Khánh Hòa và Đồng Nai.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình điều trị nghiện tự nguyện tại cộng đồng, quyền Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Khánh Hòa Trần Quốc Thông cho biết: Năm 2016, tỉnh Khánh Hòa thành lập được 6 điểm tư vấn. Mỗi điểm có 1 thành viên chuyên trách làm nhiệm vụ tư vấn cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện và nhân dân lựa chọn hình thức điều trị thích hợp; hỗ trợ người nghiện tuân thủ điều trị. Cùng với đó là kết nối các dịch vụ dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm để người nghiện tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, 6 điểm tư vấn đã có 389 lượt người được tư vấn và điều trị 36 ca và kết nối các dịch vụ hỗ trợ người nghiện hòa nhập cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần