Cải tạo chung cư cũ: Quyết liệt gỡ nút thắt

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, tỷ lệ 1/2.000, tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Trong quy hoạch có đặt ra vấn đề cải tạo chung cư cũ.

Các cơ quan chức năng đã và đang gấp rút điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách để gỡ nút thắt, đẩy nhanh tiến trình tái thiết đô thị.
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn TP có 1.579 nhà chung cư cũ cần cải tạo lại, có quy mô từ 2 - 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối năm 1980, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô lịch sử. Từ năm 2007 đến nay, Hà Nội đã có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, đã đưa vào sử dụng, chiếm khoảng 1,14% tổng số nhà chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do các khu chung cư cũ đa số nằm ở những vị trí hạn chế chiều cao, nằm xen kẽ với các khu nhà dân nên việc đền bù, giải phóng mặt bằng, xác định giá cho các hộ dân khó khăn. Và một vấn đề quan trọng nữa, là đang có những bất cập trong các văn bản thể chế.
Ví dụ, trong Luật Nhà ở, Điều 86 - 87, cải tạo nhà chung cư là trách nhiệm của chủ sở hữu. Vậy sau khi Nhà nước bán nhà cho người dân thì chủ sở hữu phải là người dân, chứ chưa nêu rõ vai trò của Nhà nước ở đây. Việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô, các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Nhưng hầu như các chủ đầu tư lại yêu cầu phương án xây cao tầng, bởi như vậy mới có lãi.

Chiều hướng đặt ra, cũng như những đề xuất của rất nhiều chuyên gia đô thị đều cho rằng, nếu một khu đất có 10 khu tập thể 5 tầng, nên phá đi hết, chỉ giữ lại 3 tòa, nhưng 3 tòa này xây dựng cao tầng để dành quỹ đất lớn làm không gian công cộng và cải thiện đời sống của người dân trong khu vực. Và việc thực hiện cần phải công khai, cơ quan thực thi cũng phải công tâm.

Trước tình trạng chậm trễ trong tiến trình cải tạo, xây dựng mới chung cư, TP Hà Nội vừa thành lập Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn, do đích thân Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ngoài ra, TP cũng thành lập Tổ chuyên gia để nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư cũ. Tổ chuyên gia có trách nhiệm nghiên cứu các quy định hiện hành của pháp luật về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù của TP. Đồng thời, hoàn thiện Đề án về cải tạo, xây dựng lại các nhà chung cư cũ trên địa bàn, báo cáo UBND TP lấy ý kiến của HĐND TP, báo cáo Thành ủy thông qua để trình Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để triển khai.

Có thể thấy, trong nhiệm kỳ này, lãnh đạo TP Hà Nội đã đặc biệt quan tâm, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ nguy hiểm, xuống cấp. Và với những chính sách mới đã được TP Hà Nội kiến nghị, được Bộ Xây dựng soạn thảo trình Chính phủ, các phương án và kế hoạch để giải quyết những khó khăn trước đó về cải tạo chung cư cũ sẽ sớm được tháo gỡ. Trong tương lai không xa, bộ mặt đô thị, hệ thống cơ sở hạ tầng Thủ đô sẽ phát triển đồng bộ, chất lượng cuộc sống của người dân tiếp tục được cải thiện nâng lên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần