Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu khu vực DN giai đoạn 2013 - 2014 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA) tài trợ, ngày 4/11, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã phối hợp với các đối tác tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo "Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Kết quả điều tra DN nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2013".
Kết quả điều tra trên 2.500 DNNVV cho thấy, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện kinh doanh hiện tại của khoảng 70% DN. Trong khi đó, môi trường kinh doanh tại Việt Nam về tổng thể dường như chậm được cải thiện so với giai đoạn khảo sát trước (công bố vào các năm 2005, 2007, 2009 và 2011).
Kết quả điều tra cũng ghi nhận số lượng DN mới gia nhập thị trường chỉ chiếm 1% tổng số DN được điều tra nhưng có tới 18% trong gần 2.500 DN được điều tra năm 2011 đã ngừng kinh doanh. Nếu xét ở quy mô DN thì tỷ lệ DN có quy mô vừa ngừng sản xuất, kinh doanh thấp hơn so với những DN nhỏ và siêu nhỏ (trong khi số DN loại này chiếm tới 80% số DN thành lập mới).
Nguyên nhân chính của việc nhiều DN tạm ngừng hoạt động trong giai đoạn này là thiếu cầu, trong khi số DN ngừng hoạt động do sức ép cạnh tranh và hạn chế nguồn lực có tỷ lệ thấp hơn và những DN này có xu hướng chuyển sang ngành sản xuất khác.
Chi phí phi chính thức và tiếp cận tài chính vẫn là một trong những vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ đến DN. Tỷ lệ DN có chi phí phi chính thức năm 2013 cao hơn năm 2011, nhằm đối phó với cơ quan, người thu thuế cũng như kết nối với dịch vụ công.
Khoảng 40% số DN được điều tra gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, nên không tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức vay, 1/3 trong số này thiếu tài sản thế chấp để vay vốn.
Trong khi cầu về tín dụng phi chính thức tăng 5% so với năm 2011, chứng tỏ các khoản vay này mặc dù có giá trị nhỏ nhưng là một cấu thành thường xuyên trong cơ chế tài chính của các DNNVV hiện nay.
GS John Rand - Đại học Copenhagen (đơn vị phối hợp xây dựng Báo cáo điều tra) nhấn mạnh: Rào cản lớn nhất khiến DN khó tiếp cận nguồn vốn vay là các thủ tục trong việc phê duyệt của ngân hàng.
Điều này cho thấy, để cải thiện việc tiếp cận các nguồn vốn vay của DN, bên cạnh giải pháp hạ lãi suất mà các ngân hàng đang thực hiện cũng cần phải thiết kế các quy trình nộp, xét duyệt hồ sơ vay trong thời gian tới.