Theo đó, các bệnh truyền qua thực phẩm do virus được ghi nhận ngày một gia tăng. Sự ô nhiễm vi rút vào thực phẩm không chỉ từ môi trường sản xuất mà còn ở tất cả các khâu sơ chế, chế biến thực phẩm. Virus thâm nhập tới người thông qua nhiều con đường, chủ yếu nhất là đường tiêu hóa, virus được thải theo phân người bệnh/người nhiễm ra ngoài, cũng có khi là từ chất nôn. Các nhóm virus gây bệnh truyền qua thực phẩm phổ biến như: virus gây viêm dạ dày ruột, virus viêm gan A, virus Rota, virus viêm gan...
Bệnh truyền qua thực phẩm do virus đang khá phổ biến ở các cộng đồng dân cư có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ vệ sinh xã hội thấp, phong tục tập quán liên quan đến ăn uống, sử dụng thực phẩm, nước sinh hoạt, vệ sinh của người và động vật chứa đựng nhiều yếu tố nguy cơ truyền bệnh. Đây cũng là nhóm bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng chống bằng các biện pháp đặc hiệu và bằng việc thực hành ATTP của cộng đồng thông qua một số biện pháp sau: Tăng cường biện pháp vệ sinh như môi trường, nguồn nước, rác thải, chất thải, vệ sinh nhà bếp, cơ sở chế biến, bảo quản thực phẩm, vệ sinh cá nhân; Sử dụng các hóa chất diệt khuẩn phù hợp, đúng liều lượng, đúng lúc; Thực hiện tốt “10 nguyên tắc vàng” và “05 chìa khóa” trong chế biến thực phẩm an toàn. Thực hiện ăn chín, uống chín; Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng thực hành ATTP; Thực hiện nguyên tắc điều trị, phát hiện sớm nguồn gốc lây nhiễm và căn nguyên vi khuẩn để có hướng xử trí đúng đắn với người bệnh, nguồn bệnh, yếu tố truyền nhiễm và người lành có nguy cơ mắc bệnh khi có ngộ độc xảy ra; Tăng cường công tác thanh, kiểm tra ATTP suốt chuỗi cung cấp thực phẩm, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Hiện nay, các kỹ thuật, phương tiện chẩn đoán vi rút đang được tăng cường đã góp phần đáng kể trong việc xác định virus trong các vụ dịch bệnh, cải thiện việc kiểm soát ô nhiễm virus trong thực phẩm.