Tuy nhiên, những lý giải từ phía Bộ Y tế vẫn chưa đủ sức thuyết phục về tính khả thi của dự thảo.
Nhiều quy định khắt khe
Cấm bán rượu, bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau; người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người bị bệnh lý, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới khi tham gia giao thông đều bị cấm uống rượu. Ngoài ra, tại các cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc dinh dưỡng, môi trường nuôi dưỡng, vui chơi cho trẻ em, nơi làm việc… đều bị cấm bán rượu. Dự thảo luật cũng nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại và giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức đối với rượu từ 15 độ trở lên.
Mục đích chính của luật này là tạo hành lang pháp lý để giảm lạm dụng, hạn chế tác hại của rượu, bia, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, rất khó khả thi. Đánh giá về quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi,
là chủ một quầy kinh doanh rượu trên phố Hàng Da (quận Hoàn Kiếm), anh Nguyễn Tuấn Hoàng bày tỏ: "Chúng tôi không thể biết người mua đủ 18 tuổi hay dưới 18 tuổi, chẳng lẽ cứ khách đến mua rượu lại bắt trình Chứng minh Nhân dân, làm thế khác nào đuổi khách". Còn ở các quán bar, nhà hàng, ai kiểm soát được phụ nữ mang thai, đang cho con bú uống rượu. Nếu phát hiện những đối tượng này sử dụng bia, rượu, sẽ báo cho ai để xử lý?
TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nêu quan điểm, việc xây dựng một hành lang pháp lý để điều chỉnh vấn đề này là cấp bách, nhưng cần phải có lộ trình và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Còn bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cũng cho rằng, rượu, bia đang là nguyên nhân của bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, TNGT và suy giảm sức khỏe con người. Đã đến lúc, việc hạn chế lạm dụng rượu, bia phải được luật pháp quy định. Nhưng để một chính sách đi vào cuộc sống, điều quan trọng nhất là chính sách đó phải được người dân ủng hộ, và việc thực thi pháp luật cần nghiêm minh.
Cân nhắc 3 phương án
Trong các điều cấm của dự thảo, thì quy định cấm bán rượu, bia sau 22 giờ được dư luận quan tâm và lên tiếng nhiều nhất. Trước vấn đề này, tại buổi gặp mặt báo chí, bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, trong dự thảo, Tổ biên soạn đề xuất 3 phương án nhưng báo chí chỉ đưa thông tin phương án 1 - quy định không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ sáng. Theo bà Trang: "Đây là phương án tối ưu, sẽ có tác dụng tích cực nhằm giảm lạm dụng rượu, bia nhưng cần nỗ lực cao trong tổ chức thực hiện". Còn phương án 2 là Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Với phương án này, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội sẽ thí điểm triển khai trước. Phương án 3, chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia. Tuy nhiên, bà Trang khẳng định: "Tổ biên soạn dự thảo Luật nghiêng về phương án 1, đây mới là phương án hạn chế được việc lạm dụng rượu, bia có hiệu quả".
Trước câu hỏi về tính khả thi của phương án 1, bà Trang cho biết, sẽ rất khó khăn, nhưng nỗ lực vẫn có thể thực hiện được. "Chúng tôi dự kiến các biện pháp để đưa luật vào cuộc sống như tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động tài chính, thanh, kiểm tra thường xuyên, định kỳ cũng như xử lý nghiêm vi phạm". Bà Trang cũng viện dẫn nhiều quốc gia đã thực hiện cấm bán rượu, bia sau 22 giờ đến 6 giờ sáng và đã thành công. Ngoài ra, trước đây cũng đã có quy định cấm bán rượu, bia sau 24 giờ.
Quy định cấm bán rượu, bia sau 24 giờ là rất cần thiết. Tuy nhiên, trước đây được ban hành nhưng không đơn vị, địa phương nào thực hiện. Thực tế, đã nhiều luật từng có những quy định cấm, phạt, nhưng việc thực thi nửa vời, thậm chí không thể thực hiện như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, quy định 10 tiêu chí thức ăn đường phố… Hy vọng rằng, Bộ Y tế sẽ tìm ra phương án cấm bia, rượu khả thi để chính sách có thể đi vào cuộc sống.
Ảnh minh họa
|
Để đảm bảo tính khách quan, khả thi của dự thảo thì Tổ biên tập phải tổng hợp tất cả những ý kiến, quan điểm, đề xuất. Chúng tôi sẽ chỉ nghiên cứu, lựa chọn và trình Chính phủ, Quốc hội những quy định thật sự phù hợp sau khi lấy ý kiến rộng rãi. Bà Trần Thị Trang Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) |