Những mỹ từ như “hỗ trợ tài chính”; “tư vấn vay vốn”; “vay nhanh không thế chấp” giăng mắc đầy các điểm công cộng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp chưa có khả năng chi trả, các đối tượng cho vay lãi dùng nhiều hình thức khác nhau để đòi tiền như ném chất bẩn vào cửa nhà, thuê côn đồ đòi nợ...
Một số đối tượng còn liều lĩnh gây ra các vụ bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản để ép nạn nhân trả nợ. Như mới đây, Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã bắt giữ Cao Trung Hiếu (SN 1997) và Nguyễn Nhân Dân (SN 1998) cùng trú tại huyện Gia Lâm, để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, anh Lê Hoài N. (SN 1998, trú tại huyện Gia Lâm) đã vay 28 triệu đồng thông qua dịch vụ “hỗ trợ tài chính” của đối tượng Dân. Do anh N. không trả được nợ, cuối tháng 4/2016, Hiếu, Dân và một số đối tượng khác tổ chức đến đánh, khống chế anh N. phải cùng về cơ sở “hỗ trợ tài chính” của chúng. Tại đây, các đối tượng tiếp tục dùng vũ lực ép anh N.viết giấy vay nợ số tiền 50 triệu đồng cùng giấy mượn và bán chiếc xe Honda SH 150i. Do bị đánh quá đau và sợ hãi, anh N. đã phải làm theo yêu cầu của nhóm đối tượng… Cơ quan công an đã làm rõ, tổng số tiền anh N. vay theo dịch vụ là 28 triệu đồng nhưng các đối tượng đã dùng vũ lực ép viết giấy nợ lên đến 50 triệu đồng. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp Công an TP Hà Nội phát hiện, xử lý trong thời gian qua. Trong nhiều trường hợp khác, cơ quan công an cũng làm rõ một số thủ đoạn lừa đảo của loại hình tín dụng đen nêu trên. Cụ thể, để né tránh pháp luật và cưỡng bức người dân sẽ phải trả gấp nhiều lần số tiền vay, các đối thượng thường bắt người dân vay tiền viết ký giấy thỏa thuận với nội dung đã mua tài sản, hàng hóa với tổng số tiền cao gấp nhiều lần số tiền cho vay. Thực tế, đến thời gian đáo hạn, nhiều nạn nhân và gia đình bị các đối tượng dùng các hình thức nêu trên ép trả số tiền theo đúng giấy thỏa thuận.
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Công an TP Hà Nội đang có những biện pháp tăng cường nắm bắt, quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý các biểu hiện kinh doanh trái pháp luật của loại hình dịch vụ này. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng dịch vụ, ký giấy thỏa thuận theo dạng tín dụng đen tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong tranh chấp dân sự. Người dân cần nâng cao kiến thức pháp luật, thật sáng suốt lựa chọn khi tiếp cận dịch vụ vay vốn tư nhân. Đặc biệt, cần báo ngay cho cơ quan công an khi là nạn nhân hoặc phát hiện các đối tượng kinh doanh dịch vụ có biểu hiện vi phạm pháp luật nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý.