Cam kết đủ hàng hóa cung ứng cho TP Hồ Chí Minh đến hết quý II/2020

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tránh tình trạng người dân tích trữ hàng hóa gây xáo trộn thị trường, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cam kết lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ hàng hoá cung ứng cho toàn TP đến hết quý II/2020.

Mỳ tôm, một trong những mặt hàng thiết yếu luôn đầy ấp siêu thị.
Đủ cung ứng, đảm bảo không tăng giá
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tại một số hệ thống phân phối trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong ngày 7/3 có mãi lực mua hàng tăng. Việc có một số thông tin khan hiếm hàng hóa và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa kịp đưa hàng hóa lên kệ, hoàn toàn không có vấn đề thiếu hụt hàng hóa. Sự biến động xuất phát từ một bộ phận người dân mua hàng số lượng lớn, cụ thể là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô…
Ngay khi có thông tin trên, Sở Công Thương TP đã chủ động làm việc với đại diện các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi quy mô lớn trên địa bàn TP như Saigon Co.op, Satra, Vinmart, Lotte Mart, Big.C, AEON Mall… Các đơn vị này khẳng định, lượng hàng hóa rất dồi dào, đủ khả năng cung cấp liên tục và đầy đủ từ 2 - 3 tháng cho thị trường TP.
Đồng thời, các đơn vị phân phối đã chủ động làm việc với các đơn vị sản xuất, cung ứng các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong 6 tháng cuối năm.
Rau xanh, hoa quả tươi mới được sắp xếp cẩn thận.
Những ngày gần đây tại nhiều điểm siêu thị lớn tình hình lượng người dân mua sắm không biến động nhiều. Đơn cử, tại các hệ thống siêu thị Vinmart, lượng người mua sắm diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, để chủ động các siêu thị cũng hạn chế việc khách mua hàng số lượng lớn, tránh việc tích trữ hàng hóa không cần thiết. Ví dụ mỗi đơn hàng chỉ được mua 2 bịch khẩu trang vải, 1 bịch giấy vệ sinh…
Trong khi đó, ở góc độ sản xuất, các doanh nghiệp trong chương trình Bình ổn thị trường TP cam kết sẽ ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn TP.
Đại diện Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) nhấn mạnh, hiện mặt hàng thịt lợn cung ứng ra thị trường không có dấu hiệu sụt giảm. Đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, các doanh nghiệp đều khẳng định sản lượng đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý II/2020 và đảm bảo không tăng giá.
Hiện nguồn hàng thực phẩm chế biến tại Vissan chiếm 1/2 tỷ trọng sản xuất của công ty, nguyên liệu dự trữ cho sản xuất đủ dùng đến tháng 3/2021, do đó giá thành sản phẩm sẽ luôn được đảm bảo.
 Đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, các siêu thị đều khẳng định sản lượng đảm bảo đủ cung ứng đến hết quý 2/2020 và đảm bảo không tăng giá.
Đối với mặt hàng gia cầm (thịt gà, thịt vịt), sản lượng cung ứng ra thị trường tăng gấp 2 - 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ mọi năm. Nhiều doanh nghiệp có chính sách giảm giá 2 - 3% hỗ trợ người dân trong mùa dịch và đảm bảo nguồn hàng dự trữ không thiếu, cũng như giá cả ổn định. Đồng thời, các doanh nghiệp cho biết, sản lượng gạo dự trữ dảm bảo cung ứng đủ trong 6 tháng tới và giá không có biến động lớn.
Chợ, siêu thị “ngập” hàng
Ghi nhận thực tế vào trưa nay (9/3) tại nhiều siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh các mặt hàng như: Rau, củ, thịt, cá, hàng tiêu dùng khô... được lấp đầy tại các kệ hàng.
“Nguồn hàng được nhập về liên tục, siêu thị chúng tôi cũng đã họp với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn cung dồi dào nhất có thể. Các sản phẩm từ sữa cho tới trái cây và các mặt hàng khô luôn trong tình trạng phủ kín kệ”, nhân viên siêu thị Co.op Mart (Hậu Giang, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Cũng theo nhân viên này, ngày cuối tuần vừa qua (8/3), sức mua tăng từ 30 - 40% so với ngày bình thường. Tuy nhiên, hàng hóa luôn đầy ắp, không trống quầy. Hệ thống Co.op Mart cũng không ghi nhận tình trạng thu gom, đầu cơ.
 Hàng hóa tại các siêu thị vẫn rất phong phú đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng.
Trong khi đó, đại diện Bách Hoóa Xanh cho biết, hàng hóa dự trữ thời điểm này tương đương với lượng hàng dự trữ cho dịp Tết Nguyên Đđn vừa qua. Các mặt hàng này có thể kể đến như: Gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa…
Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp như gel rửa tay, khẩu trang… được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán.
“Mỳ tôm là một trong những mặt hàng "sốt" trong mùa dịch Covid-19, tuy nhiên Bách Hóa Xanh luôn bổ sung đầy đủ nguồn hàng này, trong kho lúc nào cũng có rất nhiều mỳ tôm. Và tuyệt nhiên không có chuyện tăng giá, hết hàng, nên người dân cứ yên tâm”, nhân viên Bách Hoá Xanh (An Dương Vương, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
 Trong khi siêu thị vẫn giữ nguyên giá bán, một số cửa hàng nhỏ lẻ có hiện tượng tăng giá

Tại siêu thị Big C Miền Đông (268 Tô Hiến Thành), chị Ngọc Anh (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, rất lo sợ dịch Covid-19, tuy nhiên chị đi siêu thị là vì nhà hết thức ăn, không phải mua để trữ.
“Tôi lo lắng nhưng không hề hoang mang, tôi tin là dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lùi. Nếu như ai cũng tích trữ, chắc chắn sẽ có đầu cơ, đẩy giá, lúc đó khổ là người tiêu dùng chứ không ai khác”, chị Ngọc Anh nói.
Cũng trong trưa 9/3, tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, một số mặt hàng như gạo, cá khô… tăng giá. “Tranh thủ tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều cơ sở bán gạo nhỏ lẻ đã âm thầm tăng giá. Cách đây vài ngày tôi mua chỉ với giá 14.000 đồng/kg, vậy mà hôm nay họ đã báo giá 16.500 đồng/kg. Nếu cứ hoảng loạn tích đồ ăn, chỉ làm lời cho dân đầu cơ, cơ hội”, chị Tâm (Văn Thân, quận 6) phân tích.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thông tin, người dân không nên tích trữ hàng hóa trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây tâm lý hoang mang, xáo trộn thị trường.

Ngoài ra, người dân nên ưu tiên sử dụng hình thức mua hàng trực tuyến để hạn chế đến những nơi tập trung đông người (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) và lựa chọn những đơn vị phân phối uy tín để mua hàng, tránh tình trạng vừa mua phải hàng giá cao mà chất lượng không đảm bảo.