Cam liên tục mất giá

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này đã vào chính vụ thu hoạch cam của các tỉnh miền Bắc. Tuy nhiên, vài năm gần đây, diện tích cây cam nói riêng và cây có múi nói chung tăng nóng, khiến sản phẩm liên tục rớt giá.

 Ảnh minh họa
Qua khảo sát một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Thành Công, chợ Nhà Xanh, chợ Phùng Khoang hay các tuyến đường Lê Văn Lương, đại lộ Thăng Long... cam đang được bán khá nhiều với giá dao động chỉ 15.000 – 25.000 đồng/kg. Các loại cam chủ yếu như: Cam Vinh, cam ngọt, cam V2, cam Xoàn, cam Sành... Nguồn cam chủ yếu được nhập từ các vựa cây có múi lớn ở phía Bắc như: Hòa Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Phú Thọ...
Ngoài bán ở các chợ dân sinh, cam còn được rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội. Chị Phạm Thị Trà, một người bán hàng trên mạng xã hội cho biết, hàng ngày chị thường nhập cam trực tiếp từ các nhà vườn trên Bắc Giang, sau đó gửi qua xe khách. Trung bình mỗi ngày, chị bán từ 1 – 1,5 tạ cam. Loại cam chị bán là giống cam Vinh được trồng tại Bắc Giang. “Năm nay, giá cam rẻ hơn năm ngoái từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Loại 1 tôi nhập tại vườn chỉ có giá 15.000 đồng, còn cam loại 2 mã rám, quả nhỏ chỉ có giá 7.000 – 8.000 đồng” – chị Trà tiết lộ.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây có múi trên cả nước hiện nay là 235.216ha. Trong đó, diện tích trồng cây có múi ở các tỉnh phía Bắc là 106.125ha. Chỉ trong 10 năm (từ 2009 - 2019) tốc độ tăng trưởng cây có múi bình quân lên tới 10%/năm về diện tích, tương đương 7.300 ha/năm, trên 12% về sản lượng, tương đương 69.400 tấn. Sản lượng tăng nhanh, trong khi công nghệ chế biến chưa phát triển. Điều đáng lo ngại là việc tiêu thụ khối lượng sản phẩm khổng lồ này đều phụ thuộc vào thương lái và chủ vườn. Sản phẩm chủ yếu bán tươi, số lượng được chế biến sâu không đáng kể, nên ở thời điểm thu hoạch rộ, không tránh khỏi việc bị dồn ứ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, sản xuất cây có múi có vị trí, vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trước những khó khăn, bất cập còn tồn tại, các vụ, Bộ, ngành T.Ư cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển cây có múi bền vững, thực hiện tốt quy hoạch vùng trồng. Bên cạnh đó cần rà soát, xây dựng quy hoạch canh tác, xác định chủng loại, quy mô, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo thị trường. Các địa phương cần quan tâm xây dựng bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm, hướng đến thị trường xuất khẩu.