Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm nhập thực phẩm gần khu vực nhiễm xạ ở Nhật Bản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm sản xuất tại các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang được một số nơi áp dụng, gần đây nhất là Australia, Hong Kong và Singapore.

KTĐT - Lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm sản xuất tại các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang được một số nơi áp dụng, gần đây nhất là Australia, Hong Kong và Singapore.

Cả Australia và Singapore đều cấm hàng nông sản nhập khẩu từ các khu vực Fukushima, Gunma, Ibaraki và Tochigi. Hong Kong thậm chí còn từ chối cả hàng sản xuất tại Chiba. Thuộc diện cấm nhập khẩu là sữa và các sản phẩm làm từ sữa, rau, quả, thịt và hải sản.

Tại Hàn Quốc, giới chức nước này đang cho kiểm tra toàn bộ thực phẩm nhập từ Nhật Bản và có thể cân nhắc ban hành lệnh cấm nếu khủng hoảng hạt nhân diễn biến trầm trọng hơn. "Chính phủ đang hành động khẩn trương, yêu cầu kiểm tra ngặt nghèo hơn các sản phẩm nhập từ Nhật Bản", Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik tuyên bố với báo chí trong nước. Tuy nhiên, Seoul có thể áp dụng ngoại lệ đối với các mặt hàng có giấy chứng nhận xuất xứ của chính phủ Nhật Bản, đảm bảo không sản xuất tại khu vực ảnh hưởng bởi sự cố hạt nhân.

Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cũng đã yêu cầu tăng cường kiểm tra hàng xuất xứ Nhật Bản và cấm nhập các sản phẩm liên quan tới sữa, rau xanh và hoa quả từ khu vực bị ảnh hưởng. Ở châu Âu, Pháp đang thúc giục Liên minh châu Âu áp dụng lệnh kiểm soát và giới hạn nhập khẩu nông sản Nhật Bản. Bản thân Pháp cũng đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ xứ sở hoa anh đào.

Sự thận trọng của các nước vẫn ở mức cao ngay cả khi ba cơ quan của Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố chung về việc Nhật Bản đang triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn.

"Giám sát an toàn thực phẩm đang được triển khai. Việc đo hàm lượng phóng xạ trong thực phẩm cũng đang diễn ra và kết quả được công bố rộng rãi", Cơ quan Năng lượng nguyên tử, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh trong thông cáo chung mới phát đi.

Các nhà sản xuất Nhật Bản đang gặp nhiều sức ép bởi sự cố ở các lò phản ứng hạt nhân Fukushima đã khiến lượng phóng xạ rò rỉ ra một số nơi cao bất thường, thậm chí xâm nhập cả vào đồ ăn thức uống. Vài lô hàng thực phẩm xuất đi từ Fukushima bị ách lại ngay trong nước Nhật vì nghi ngờ nhiễm phóng xạ hơn mức cho phép. Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo người dân sống ở Fukushima không nên ăn 11 loại lá rau trồng trong khu vực. Các nhà sản xuất địa phương cũng được yêu cầu không đưa sản phẩm ra thị trường.

Các chuyên gia cho rằng vấn đề an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu của người dân Nhật Bản đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Phần lớn nông sản của Nhật được tiêu thụ ngay thị trường nội địa.

Phần ít ỏi còn lại được xem xuất khẩu ra thế giới, nay cũng đang hứng chịu sự e dè của người dân các nước. Trong tháng hai, xuất khẩu của Nhật Bản tăng 9% nhưng chắc chắn sẽ giảm sút khi có số liệu cập nhật của tháng 3, thời gian diễn ra động đất, sóng thần và các sự cố hạt nhân. Thực phẩm sẽ là một mảng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản.

Việt Nam hôm qua bắt đầu kiểm tra nguy cơ nhiễm phóng xạ cho tất cả người từ Nhật về nước. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) sẽ đề nghị Nhật Bản cung cấp giấy chứng nhận an toàn phóng xạ cho các sản phẩm nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNN) cũng đã có văn bản gửi Cục Thú y yêu cầu tăng cường kiểm tra dư lượng phóng xạ trong sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản nhập vào Việt Nam.

Tổng cục Hải quan cho biết hiện nay các hoạt động xuất nhập khẩu giữa Nhật Bản và Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. Cơ quan này chưa nhận được chỉ đạo nào về việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ nước này.

Về những lo ngại về việc hàng hóa nhập khẩu từ Nhật có thể nhiễm phóng xạ, nguồn tin có thẩm quyền hải quan cho biết cơ quan này vẫn đang chờ các hướng dẫn về tiêu chuẩn chất lượng từ Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ... Trên cơ sở đó, hải quan mới triển khai các biện pháp kiểm tra... "Không thể thấy thế giới người ta cấm, người ta hạn chế là VN áp dụng luôn. Tất cả các quyết định đưa ra đều phải có sự kiểm tra, nghiên cứu kỹ và các tiêu chuẩn hiện hành chứ không thể làm việc thiếu thận trọng được", nguồn tin từ Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.