Cần 43.639 tỷ đồng quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Đáy

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 1/11, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo Rà soát quy hoạch thủy lợi cấp, tiêu nước lưu vực sông Đáy.

Theo kết quả rà soát của Viện Quy hoạch thủy lợi (Bộ NN&PTNT), hệ thống thủy lợi lưu vực sông Đáy gồm 9 khu vực, với tổng số công trình tưới là 2.522 và 1.691 công trình tiêu. Hệ thống công trình thủy lợi trên đáp ứng khoảng 77% nhu cầu tưới chủ động. Nguyên nhân là do nhiều công trình đã xuống cấp, bị bồi lắng. Bên cạnh đó, mực nước hệ thống sông xuống thấp, gây khó khăn cho lấy nước. Trong khi đó, khả năng tiêu chủ động cũng chỉ đạt khoảng 70%... Cũng theo Viện Quy hoạch thủy lợi, tổng số kinh phí cần để thực hiện quy hoạch là 43.639 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn từ nay tới 2025 cần khoảng 25.685 tỷ đồng.

Tham dự hội nghị, đại diện 5 tỉnh, TP lưu vực sông Đáy gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình đã có những ý kiến phản biện đối với quy hoạch được Viện Quy hoạch thủy lợi đưa ra. Một số băn khoăn của các nhà khoa học cũng được nêu liên quan tới việc bảo đảm lưu lượng nước cấp tưới trong lưu vực, những tác động của điều tiết vận hành liên hồ chứa cũng như sự thay đổi dòng chảy sông Hồng có thể tác động tới quá trình cấp, tiêu nước từ sông Đáy…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: Quy hoạch cần có định hướng lâu dài, trong đó ưu tiên nâng cấp đầu tư hạ tầng vùng có nguy cơ rủi ro thiên tai cao, vùng cấp thiết sản xuất nông nghiệp. “Không thể nói quy hoạch thủy lợi chỉ có tưới tiêu cho nông nghiệp, do đó cần có quy hoạch khung chi tiết có liên quan tới các nhành lĩnh vực…” - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng bổ sung thêm.

Liên quan tới một số băn khoăn, ý kiến phản biện từ các địa phương, chuyên gia quản lý, nhà khoa học, Thứ tưởng Hoàng Văn Thắng đề nghị Viện Quy hoạch thủy lợi nghiêm túc tiếp thu đầy đủ để có rà soát, tính toán kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, phải làm việc lại với 5 địa phương để giải quyết những vướng mắc. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh: Quy hoạch cần gắn với quản lý rủi ro trong giai đoạn biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hiện nay, đồng thời phù hợp và đáp ứng các yêu cầu về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với đô thị hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần