Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cân bằng giới tính từ thay đổi tư duy

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao đang là câu chuyện "nóng" của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Thay đổi tư duy, nhận thức của người dân để cân bằng giới tính là nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân số trong thời gian tới.

“Điểm nóng” của cả nước

Với tỷ số giới tính khi sinh là 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái, Hà Nội đang là một trong những “điểm nóng” về mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, tại các huyện Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ba Vì, Thường Tín, tỷ số này còn ở mức hơn 120/100. Đáng lo hơn, tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn chưa có xu hướng giảm. Vì vậy, TP đang xây dựng Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020” với kỳ vọng cải thiện tình trạng này.
Cán bộ y tế tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ảnh: Đức Vân
Cán bộ y tế tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ảnh: Đức Vân
Theo ông Tạ Quang Huy - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, sự chênh lệch giữa trẻ trai và trẻ gái tập trung nhất là ở vùng ngoại thành đồng bằng sông Hồng. Do văn hóa, quan niệm của người Việt Nam, nhiều gia đình muốn sinh bằng được con trai để có người duy trì nòi giống, thờ cúng tổ tiên và làm chỗ dựa lúc về già. Mặt khác, chính sự phát triển của khoa học và y học, người dân có thể dễ dàng sinh con theo ý muốn. Uống thuốc dân tộc, chế độ dinh dưỡng, xác định ngày rụng trứng, siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, thậm chí thụ tinh nhân tạo để sinh con theo ý muốn là những việc mà nhiều người đã áp dụng chỉ vì muốn có con trai.

Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam thực hiện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, các phòng khám tư nhân đa phần đều trang bị hệ thống máy siêu âm ba, bốn chiều để tăng độ chính xác trong chẩn đoán giới tính thai nhi. Chủ một phòng khám thai trên đường Giải Phóng cho biết, có được thông tin về giới tính thai nhi thường là mục đích chủ yếu của nhiều thai phụ khi đến siêu âm công nghệ cao, do vậy nếu từ chối sẽ mất khách.

Lo ngại về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) chia sẻ, tình trạng thiếu phụ nữ trẻ do hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ khiến nhiều nam giới khó tìm được bạn đời. Sự khủng hoảng về hôn nhân này có thể để lại một loạt hậu quả cả về mặt nhân khẩu học và mặt xã hội, bao gồm nạn ép buộc kết hôn, buôn bán, bạo hành phụ nữ, trẻ em gái, và cả nguy cơ bất ổn xã hội.

Nâng cao nhận thức

Trước những khó khăn và thách thức đang đặt ra, ngành dân số Hà Nội đã xác định rõ những bước đi tiếp theo trong năm 2016 và cả giai đoạn 2016 - 2020. Ông Huy cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ “làm mới” những phương pháp để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi, thay đổi quan niệm coi trọng con trai hơn con gái. Tuy nhiên, trên hết người dân cần nói “không” với phân biệt giới tính và lựa chọn giới tính thai nhi.

Cùng với đó, để ngăn chặn các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh, theo quan điểm của ông Huy, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nên được thực hiện nghiêm hơn trước. Có vậy mới có tính giáo dục, răn đe và tạo dư luận xã hội.

Đồng tình với quan điểm này, ông Dương Văn Đạt - Trưởng nhóm Sức khỏe sinh sản, Văn phòng UNFPA tại Việt Nam cho rằng, để xóa bỏ được tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cách tốt nhất là củng cố vị thế cho phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và dòng họ. Đồng thời, các hành vi xúc phạm, trêu chọc, gièm pha những người không có con trai phải bị lên án mạnh mẽ.