KTĐT - Theo ghi nhận của PV tại hai chợ lớn của TP Đồng Hới là chợ Đồng Hới và chợ Ga Nam Lý, các mặt hàng như gạo, thịt, cá, rau củ quả đã tăng giá đáng kể trong khoảng 10 ngày nay.
Nhiều mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ tôm, nước uống, thịt, rau xanh đều tăng giá từ 10 - 20%, cá biệt có mặt hàng tăng giá đến 200% - đó là thực trạng giá cả ở nhiều điểm chợ tại Quảng Bình sau lũ.
Nước chưa xuống, giá đã lên
Trong khi hàng triệu người dân các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An vẫn đang đọa đày sau 2 trận lũ lớn liên tiếp, nguy cơ tăng giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đã có dấu hiệu tăng giá từ 10 - 20%, cá biệt những mặt hàng thực phẩm tươi sống có nơi tăng đến 200%.
Theo ghi nhận của PV tại hai chợ lớn của TP Đồng Hới là chợ Đồng Hới và chợ Ga Nam Lý, các mặt hàng như gạo, thịt, cá, rau củ quả đã tăng giá đáng kể trong khoảng 10 ngày nay.
Gạo dẻo loại trung bình trước lũ có giá 9.000 đồng/kg nay tăng lên mức 10.500 - 11.000 đồng/kg, thịt lợn cũng tăng thêm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại. Các mặt hàng mỳ tôm, quần áo, nhu yếu phẩm… đều tăng giá từ 10 - 20%.
Đặc biệt, các bà nội trợ “chóng mặt” nhất với giá rau, củ, quả. Trước lũ, với 2.000 đồng có thể mua được một mớ rau muống, rau lang… nhưng nay giá đã “đội” lên 5.000 - 8.000 đồng/mớ.
Theo bà Vân, chủ một cơ sở bán gạo lớn ở Đồng Hới, mặt hàng gạo từ sau lũ bán rất chạy do nhu cầu cứu trợ lớn, tại các huyện bị ngập lụt có những kho gạo bị ngập, hư hỏng hết nên có nhiều thời điểm không thể huy động gạo để bán.
Nhiều khu chợ tan hoang, chưa phục hồi hoạt động buôn bán khiến tình trạng khan hàng cục bộ xảy ra ở một số nơi.
Hệ thống đường sá bị ngập, hư hại và hàng trăm điểm chợ ở các xã, huyện chưa thể kinh doanh trở lại khiến sức điều tiết hàng hóa của thị trường giảm, tạo điều kiện cho giá cả ở các vùng lũ tăng lên.
Giá tăng: khan hàng hay “đục nước béo cò”
Ngoài yếu tố hàng hóa lưu thông khó khăn, các nhà phân phối hoặc kho dự trữ hàng của tư thương bị ngập, hư hỏng hàng, một số điểm bán hàng có dấu hiệu lợi dụng sức mua lớn để ép giá.
Tại TP Đồng Hới, một vài cơ sở sản xuất nước đóng chai đã tăng giá từ 45.000 đồng/bình 20 lít lên 55.000 đồng/bình dù bán cho các nhà hảo tâm phục vụ cứu trợ đồng bào trong lũ. Tương tự, giá gạo nở loại trung bình ở trung tâm TP Đồng Hới bán với giá 8,5 triệu đồng/tấn nhưng về một số huyện lên tới 9,5 - 10 triệu đồng/tấn.
Ngoài ra, theo phân tích của một số nhà phân phối lớn tại thị trường Quảng Bình: yếu tố tâm lý của các tư thương, vốn cũng bị thiệt hại trong lũ, khiến mặt bằng giá cứ thế nhích dần lên.
Theo ghi nhận của PV, bên cạnh một số DN, nhà phân phối, cửa hàng có dấu hiệu ép giá kiếm lời, có nhiều đơn vị đã chủ động kìm giá, giữ đúng mức giá trước lũ thậm chí chịu lỗ chi phí vận chuyển để khống chế mức giá chung.
Đại diện Công ty Diến Hồng, công ty chiếm thị phần chủ yếu tiêu thụ gạo, nước và nhiều mặt hàng thiết yếu khác ở huyện Minh Hóa cho biết: ngoài việc cứu trợ các xã bị ngập lụt gạo, muối, mỳ tôm… đã bán theo giá nhập nhiều mặt hàng, không để các nhóm tư thương khác bắt chẹt người dân. Công ty Phước Linh, đơn vị sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng lớn nhất khu vực bắc Quảng Bình cũng bán hàng theo đúng mức giá trước lũ.
Tăng cường bình ổn giá
Để góp phần bình ổn giá cả vùng lũ, Bộ Tài chính vừa có công điện khẩn cấp, yêu cầu Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An trình UBND các tỉnh này phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực xung yếu, có biện pháp ổn định giá thị trường trên địa bàn, đặc biệt với các mặt hàng gạo, mì ăn liền, rau xanh các loại, thịt lợn, thịt gia cầm, đường sữa, thuốc chữa bệnh, tấm lợp, xi măng, dây thép, đinh, ván, sắt thép…
Bộ Tài chính cũng cho phép các địa phương sử nguồn ngân sách dự phòng của địa phương và kinh phí Trung ương hỗ trợ để xử lý kịp thời các khoản chi nhằm khắc phục hậu quả bão, lũ, cứu đói cho dân, hỗ trợ dân sinh, khôi phục cơ sở hạ tầng cấp bách bị hư hại do bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính yêu cầu Sở Tài chính các tỉnh phối hợp với các cơ quan thuế, quản lý thị trường, công an tăng cường kiểm tra việc chấp hành kỷ luật nhà nước về giá trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và các dấu hiệu lợi dụng thiên tai để tăng giá bất hợp lý, trục lợi.
Theo Chi cục QLTT Quảng Bình: ngay sau lũ, Chi cục đã tăng cường kiểm soát giá cả trên toàn tỉnh, kịp thời kiểm soát giá và ngăn chặn các dấu hiệu găm hàng, tăng giá… Sở Công thương cũng cho biết: đã thành lập 7 đoàn kiểm tra liên ngành về thị trường, tăng cường kiểm tra ở cả 7 huyện thị.
Kết quả kiểm tra cho thấy, nhiều mặt hàng có dấu hiệu biến động giá nhưng không lớn. “Trường hợp cơ sở, điểm buôn bán nào tăng giá bất thường, có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng… sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở khẳng định.