Cận cảnh tư dinh “tiền tấn” của họa sĩ Thành Chương

Bài, ảnh: Hồng Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy là tư dinh được vợ chồng họa sĩ Thành Chương đầu tư "tiền tấn", nhưng từ lâu, Việt Phủ Thành Chương đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của Hà Nội. Không chỉ là nơi lưu giữ tâm hồn Việt, trải qua thử thách của thời gian, càng thêm đẹp, thêm quí và toả sáng,

 Không ít người khi lần đầu tới đây đã lầm tưởng đây là một khu di tích lịch sử lâu đời, nhưng thực tế đây là một địa điểm được gây dựng bởi họa sĩ Thành Chương vào năm 2001 với tên gọi Việt Phủ. Năm 2009, Việt Phủ Thành Chương (Hồ Kèo Cả - Xã Hiền Ninh - Huyện Sóc Sơn - Hà Nội) chính thức mở cửa đón khách tham quan. 
 Việt Phủ không còn là không gian nghỉ dưỡng của gia đình họa sĩ Thành Chương, nó hoàn toàn được dành cho sự chiêm ngưỡng, tham quan, học tập, nghiên cứu văn hoá nghệ thuật Việt Nam của hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế khi tới thủ đô Hà Nội.
 Việt Phủ Thành Chương còn có tên gọi khác là Biệt phủ Thành Chương, tên nhà văn Kim Lân và nhiều bạn bè đặt cho khu nhà vườn của con trai mình. 
 Mà nói cho đúng hơn nữa, đó không chỉ là “phủ”. Đó là một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt khổng lồ của anh, nơi họa sĩ tính toán, cân nhắc cẩn trọng từng tấc vuông. 
 Và dù có thể có những nhận xét khác nhau, hẳn ai cũng phải công nhận, Thành Chương đã thực hiện tác phẩm ấy bằng sự đam mê lớn lao, tài năng (và cả gia sản không nhỏ) của anh.
 Toàn bộ số tiền thu được nhờ bán tranh, họa sĩ Thành Chương đổ hết vào công trình này.
 Khi bước qua cánh cổng, bạn sẽ nhìn thấy một hình ảnh đặc trưng thôn quê miền Trung du Bắc Bộ với hồ cá xanh biếc, giếng nước trong veo, bên cạnh có thêm bộ bàn đá để du khách nghỉ ngơi hóng mát.
 Ở chốn này, người ta có cảm giác nửa thực nửa mơ. Trên tổng diện tích 1 ha, Việt phủ “ôm” trọn khoảng 30 công trình kiến trúc chính, trong đó có 13 ngôi nhà cổ được đặt tên rất mơ màng: nhà Thanh Tĩnh, cổng Hương, lầu Tường Vân, nhà Mạc Hương, quán Xuân Phong… Mỗi ngôi nhà đều có một lai lịch thú vị.
 Nếu như nhà Thanh Tĩnh - nơi gia đình họa sĩ đã đón tiếp nhiều chính khách nổi tiếng của Việt Nam và thế giới - là một ngôi nhà gỗ lim lớn, đã gần 200 năm tuổi, được họa sĩ kỳ công mua nguyên từ Nam Định đem về chế tác lại, thì nhà sàn cổ ở đây cũng là nhà của người Mường Hòa Bình có tuổi đời lên tới 100 năm.
 Bên trong gian giữa mỗi ngôi nhà cổ hay điện, tháp, du khách đều bắt gặp nét đẹp cổ kính và linh thiêng với các bàn thờ. Xung quanh là không gian nhỏ để nghỉ ngơi được bày phối theo cung cách ngày xưa.
 Vườn tượng đá tuy rất nhỏ, nhưng là tập hợp nhiều bức tượng khá sinh động, bỗng khiến khách du nhớ đến những khu vườn cổ u tịch ở cố đô Huế.  
 Khi dừng lại lâu hơn cả ở ngôi nhà tranh vách đất chẳng mang một cái tên mỹ miều nào cả. Đây là hình ảnh ngôi nhà nơi Thành Chương sinh ra và lớn lên tại vùng đồi Yên Thế (Nhã Nam, Bắc Giang).

 Lối kiến trúc xây dựng có chút hiện đại hòa hợp với hình ảnh cuộc sống dân tộc ta qua hàng vạn hiện vật có từ thời Đinh, Lý , Trần, Lê,… đã giúp cho Việt Phủ gần gũi hơn, chạm vào tâm hồn cội nguồn gần hơn của du khách mỗi khi đặt chân ghé lại đây.
 Mỗi con đường đi qua một khu nhà, điện, tháp, du khách dễ dàng nhận ra những điểm nhấn nổi bật nơi đây chính là sự kết hợp tuyệt diệu giữa hồ nước nhỏ đầy hoa sen đang làm nơi ẩn nấp của các chú cá nhỏ xinh, là sự kết hợp giữa chiếc bàn gỗ ngoài thềm cạnh khóm trúc đang vươn mình vui đùa cùng gió, là sự kết hợp giữa chiếc chõng tre man mác sương sớm với tách trà nóng đang cần tri kỉ,… 
 Mỗi góc nhỏ Việt Phủ Thành Chương đều được trang trí sao cho hài hòa nhất, để mỗi bước chân du khách đi qua đều ghi chặt trong lòng những ký ức khó phai.  
 Bao trùm lên không gian Việt Phủ Thành Chương là muôn ngàn cây xanh lớn nhỏ tạo từng lớp tầng bảo vệ cho toàn bộ nơi đây tránh xa nắng mưa thất thường của thời tiết. Nhìn từng loại cây lớn nhỏ đang xen vào nhau như hòa quyện trong một cuộc sống, hẳn trong lòng du khách sẽ cảm thấy cực kỳ dễ chịu và thoải mái khi hòa mình vào không gian thi vị như vậy.
 Ở đây còn có hẳn một nhà hát Long Đình, ngôi nhà có diện tích rộng lớn và trang trí công phu, dành cho du khách thưởng thức nghệ thuật. 
 Trong đó, có cả không gian múa rối nước.
 Khu nhà lưu giữ những giá trị văn học của nhà văn Kim Lân.
 Với công trình thực sự đồ sộ, kỳ công đầy tinh tế của những kỹ sư hàng đầu Việt Nam, Việt Phủ Thành Chương đã được The NewYork Times – tờ báo lớn và uy tín tại Mỹ không ngần ngại để tôn vinh là một trong những điểm đến thú vị nhất của Hà Nội.
 Năm 2015, Việt Phủ Thành Chương kỷ niệm 15 năm ra đời và phát triển. Dưới sự quản lý và điều hành của chính gia đình, Việt Phủ luôn dẫn đầu top các địa danh tham quan văn hoá ấn tượng và giá trị hàng đầu Hà Nội.

 Đầu tư “tiền tấn” từ mồ hôi, công sức của chính mình, nhưng họa sĩ Thành Chương lại không coi đó như tài sản của riêng ông. Giờ đây, ông mong muốn tìm được một tổ chức hoặc cá nhân có tâm huyết, giúp anh cai quản, bảo vệ không gian này. Ông khẳng định, sẽ chuyển nhượng mà không đòi hỏi bất cứ chi phí nào. Tài năng, tâm huyết, tình yêu nghệ thuật, yêu quê hương, đất nước của họa sĩ Thành Chương thật đáng nể trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần