Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần “chặt” hơn với chỉ định thầu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên họp ngày 30/10 của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Qua thảo luận tại nghị trường, có thể thấy các quy định về chỉ định thầu là vấn đề rất được quan tâm. Nhiều ĐB tỏ ý lo ngại khi tỷ lệ áp dụng phương thức chỉ định thầu trên thực tế còn cao, quy định còn lỏng lẻo dẫn đến việc các đơn vị “lách luật” để thực hiện chỉ định thầu thay vì đấu thầu.   

Về chỉ định thầu (Điều 22), một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, hạn chế chỉ định thầu, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp cần khắc phục hậu quả thiên tai, trong tình trạng khẩn cấp như vỡ đê, tắc đường, vỡ đường ống dẫn nước, dẫn dầu… Ý kiến khác đề nghị rà soát, bảo đảm lường hết các tình huống cần chỉ định thầu để tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tế thi hành Luật Đấu thầu những năm qua cho thấy hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến hơn so với các hình thức khác khi lựa chọn nhà thầu. Do vậy, dự án Luật quy định 6 trường hợp chỉ định thầu; Quy định cụ thể hơn về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu , nhà đầu tư ; Quy định rõ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác đối với gói thầu khi có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác dù gói thầu đó thuộc trường hợp chỉ định thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu  nhằm thể hiện quản lý chặt chẽ việc chỉ định thầu, tránh chỉ định thầu tràn lan.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Có ý kiến đề nghị không quy định về hạn mức chỉ định thầu bởi quy định như vậy có thể bị lợi dụng để chỉ định thầu thông qua việc chia nhỏ các gói thầu. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quy định về hạn mức chỉ định thầu theo từng thời kỳ, bảo đảm tính ổn định của Luật.

Về vấn đề này, ông Lê Công Đình, ĐB Long An cho rằng, quy định về hạn mức chỉ định thầu như tại Điều 32 của dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện vì hiện nay gói thầu có biến động giá và chi phí cao, các công trình đơn giản, sửa chữa nhỏ cũng đã có giá trị trên 1 tỷ đồng. Đồng thời, với quy định như dự thảo thì các gói thầu đơn giản, giá trị nhỏ phải đấu thầu, không qua hình thức chỉ định thầu sẽ rất lớn dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí cho tổ chức đấu thầu, gây áp lực lớn cho chủ đầu tư, cơ quan thẩm định, quản lý đấu thầu. Trong quy định của dự thảo, Điều 87 quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu có hành vi chia nhỏ các gói thầu nhằm áp dụng chỉ định thầu. Trong quản lý, nếu minh bạch thì phải xử lý không nên vì lý do không quản lý được, không xử lý được mà đưa ra hạn mức nhỏ. Nên để hạn mức như hiện hành, hạn mức chỉ định thầu với các gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn đấu thầu là 5 tỷ đồng; Đối với gói thầu tư vấn là 3 tỷ đồng, gói thầu lựa chọn hàng hóa là 2 tỷ đồng.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, khi tiến hành lựa chọn nhà thầu thực hiện những gói thầu đơn giản, gói thầu có giá trị nhỏ, dưới một hạn mức nhất định, thì cần áp dụng hình thức chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian và chi phí. Để ngăn ngừa chỉ định thầu tràn lan, dự án Luật đã quy định hạn mức chỉ định thầu cụ thể như sau: Không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn và không quá 200 triệu đồng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên. Ngoài ra, tại Điều quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu có hành vi cấm chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, thời gian qua có tới trên 70% gói thầu liên quan được thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu. Khắc phục tình trạng này, Luật mới cần có quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn trong quy định về chỉ định thầu, đặc biệt là các quy định liên quan đến trình tự, thủ tục, thẩm quyền đối với các dự án xây dựng cơ bản.

Tham gia thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, một số ĐB cho rằng, khi quy định chỉ định thầu quá rộng, thiếu cụ thể như “trường hợp bất khả kháng”, dễ dẫn đến lách luật để không phải tổ chức đấu thầu. Bên cạnh đó, có ĐB cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn, tránh tình trạng các doanh nghiệp “đạp chân nhau” hay “bắt tay nhau” để chỉ có một nhà thầu duy nhất hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu khác vì biết rằng nếu thực hiện chỉ định thầu thì giá sẽ cao hơn, yêu cầu hồ sơ cũng dễ dàng hơn.

 
Dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, tuy nhiên cần xem xét thêm các yếu tố bảo đảm tính cải cách, minh bạch, khách quan trong đấu thầu. Dự thảo Luật chưa có quy định bảo đảm được tính gốc rễ của vấn đề cạnh tranh trong đấu thầu. Quy định về tính pháp lý, tài chính chưa có giải thích rõ ràng, còn sơ sài, chưa bao quát hết các trường hợp như trường hợp sở hữu cổ phần gián tiếp qua công ty khác. Chưa loại trừ được tác động khác như người có liên quan trong tác động đến các giao dịch nhất định, các trường hợp có khả năng chi phối. Cần có định nghĩa thế nào là độc lập về tài chính, thế nào là độc lập về pháp lý.
Hà Sỹ Đồng, ĐB Quảng Trị