Những năm gần đây, cây ăn quả đã và đang khẳng định vai trò cây trồng chủ lực của Hà Nội, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, diện tích cây ăn quả của TP đã tăng từ hơn 16.000ha năm 2017 lên hơn 22.000ha năm 2021. Trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản và đã xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu; quả loại 1 đạt tiêu chuẩn chất lượng cao chiếm tới hơn 60%. Nhiều mô hình sản xuất theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ đủ điều kiện xuất khẩu tới các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản…
Mô hình trồng nho hạ đen ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Ngọc Ánh |
Tuy nhiên, có một thực tế là dù sản lượng các loại trái cây của TP chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô (hiện mới chỉ đáp ứng được 40-60%) thì vẫn có một số loại quả rơi vào tình trạng dư thừa cục bộ, khó tiêu thụ, rớt giá.
Lý giải về tình trạng này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho hay, nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều nông dân vẫn trồng cây ăn quả theo phong trào; sản xuất chưa gắn với chế biến, tiêu thụ; hàm lượng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến còn ít. Hiện nay diện tích cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất mới chỉ đạt hơn 1.000ha, chiếm 6,2% diện tích cây ăn quả toàn TP.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao vào cây ăn quả bước đầu phát huy hiệu quả, song vẫn còn hạn chế, nhất là việc thu hút các DN, nhà đầu tư liên kết sản xuất, xây dựng nhà máy chế biến, gắn với bao tiêu sản phẩm.
Nói về những rào cản trong phát triển công nghệ cao đối với cây ăn quả, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình (huyện Thường Tín) Nguyễn Xuân Huy chia sẻ: “Do khó khăn về tích tụ đất đai, nguồn vốn đầu tư, khả năng liên kết... nên việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng cây ăn quả hiện nay vẫn chủ yếu ở quy mô nông hộ, trang trại, hợp tác xã. Hầu hết các mô hình đều chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích cây trồng nên chưa đủ điều kiện để được hỗ trợ. Đây cũng là rào cản đối với việc tiếp cận chính sách hỗ trợ công nghệ cao”.
Vườn dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Bình (huyện Thường Tín). Ảnh: Ngọc Ánh |
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, một số địa phương trên địa bàn TP như: Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa… đang xây dựng chính sách ưu tiên hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ cao đồng bộ từ giống đến quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến theo hướng mở, không quy định "cứng" về chủng loại cây ăn quả, cũng như nới lỏng về quy mô diện tích.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, từ nay đến năm 2025, thông qua nhiều chương trình, đề án khác nhau, Hà Nội sẽ dành nguồn kinh phí phù hợp để hỗ trợ các vùng trồng cây ăn quả áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Mặt khác, Sở cũng sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của TP rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách về hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong trồng cây ăn quả. Từ đó, tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng lực kỹ thuật của người nông dân cũng như thu hút DN đầu tư vào lĩnh vực này.