Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần chính sách hợp lý

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành một lần nữa lại làm nóng nghị trường khi Quốc hội thảo luận về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định thành dự án thành phần để triển khai Dự án này.

Dù hầu hết ĐB đồng tình công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư cần đi trước một bước để đảm bảo sớm có mặt bằng sạch, đẩy nhanh tiến độ Dự án xây dựng cảng. Nhưng câu hỏi lấy tiền đâu ra để phục vụ cho việc tái định cư vẫn khiến nhiều người băn khoăn.

 Mô hình cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua năm 2015. Thực tế cũng khẳng định sự phù hợp và cần thiết phải triển khai Dự án để giải quyết nhu cầu phát triển của khu vực; đẩy nhanh việc xây dựng sân bay sẽ giúp giải tỏa áp lực, “giải cứu” cho sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải. Việc tách ra là để đẩy nhanh tiến độ cũng là cần thiết, tránh phát sinh kinh phí và kéo dài thời gian Dự án. Đồng thời còn thể hiện được tâm tư nguyện vọng của người dân, người dân đã chờ dự án này 12 năm qua. Nhưng theo báo cáo sơ bộ của tỉnh Đồng Nai, cần khoảng 23.000 tỷ đồng để GPMB Dự án này. Trong khi Nghị quyết của Quốc hội chỉ phê chuẩn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho việc này là 5.000 tỷ đồng. Rồi những băn khoăn về việc kinh phí GPMB liệu có tiếp tục phát sinh nữa hay không cũng được đặt ra. Dù Bộ GTVT khẳng định tổng mức khái toán trên 23.000 tỷ đồng là cơ bản phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và đã có dự phòng cho các phát sinh.

Trong phiên thảo luận, cùng với những băn khoăn, những giải pháp đưa ra để giúp giải bài toán kinh phí. Chính phủ khẳng định đã sẵn sàng nguồn tiền 5.000 tỷ đồng cho chi phí GPMB. Bên cạnh đó, cũng tính đến phương án vừa dùng vốn ngân sách vừa huy động vốn xã hội hóa. Sau khi hoàn tất khâu GPMB là có thể triển khai dự án được ngay. Các ĐB cũng góp thêm những ý phù hợp. Như Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính đề xuất, việc tiết kiệm chi thường xuyên 1% trong 2 năm là đủ 23.000 tỷ đồng để GPMB Sân bay Long Thành. Như ĐB Chính phân tích, chi tiêu thường xuyên tăng lên 65,7% năm 2016 và dự kiến tăng lên 64,9% năm 2017. Số liệu tăng tuyệt đối năm 2016 so với năm 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 tăng so với năm 2015 là 114.000 tỷ. Riêng năm 2017, tiết kiệm chi được 1% thì sẽ có trên 10.000 tỷ. Năm 2018 cũng tiết kiệm chi 1% thì có trên 10.000 tỷ nữa. Như vậy là sẽ có trên 20.000 tỷ. "Chúng ta cứ loay hoay nhưng tất cả chúng ta cùng giảm biên chế, giảm đầu mối theo tinh thần Nghị quyết 39 thì giải quyết được việc này” - ĐB khẳng định.

Như thế có thể nói, điều cần thiết là một chính sách hợp lý. Cùng với đó, đây là Dự án đầu tư sinh lợi và mang lại hiệu quả xã hội lớn, tác động đến hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư và tạo kiện cho sự phát triển bền vững. Vì Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đầu mối giao thông cho khu vực và điều phối các đường bay quốc tế trong toàn khu vực và cho vùng. Hiện tại xu thế của xã hội là vươn tới nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không ngày càng tăng kể cả trong nước và ngoài nước, đó là niềm tin cho thuận lợi của Dự án. Và khâu GPMB và tái định cư cho dân rất quan trọng, quyết định thành bại của Dự án. Nếu làm được việc này thì những bước sau rất dễ vì được lòng dân. Bởi thế, nhiều người hy vọng, cùng với những quyết sách từ nghị trường, việc GPMB sẽ thực sự hợp lý, công khai minh bạch, tránh lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân tham nhũng trục lợi.