“Cần có chủ trương để không tỉnh nào ở lại phía sau”

Khang Nhi-Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại hội trường Diên Hồng sáng 13/6, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho biết ,để tạo sự đồng nhất, có đà bứt phá, đưa nền kinh tế phát triển bền vững, cùng với thực hiện “không để ai ở lại phía sau cần có chủ trương không để tỉnh nào ở lại phía sau”.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, những tháng đầu năm 2020, thế giới có nhiều xung đột, khó khăn làm ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, tiếp tục thực hiện mục tiêu được Chính phủ xác định “bứt phá thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cuối nhiệm kỳ 2016 - 2020”, kết quả nổi bật là chủ trương đúng đắn của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, bộ ngành và toàn dân hết sức đồng lòng. Một số lĩnh vực tạo được niềm tin và dấu ấn trong toàn dân. Đó là Chính phủ đã chi ngân sách 62 nghìn tỷ đồng.
Hệ thống ngân hàng khi có thông tin về dịch Covid-19 đã chủ động chỉ đạo các đơn vị tham mưu, khẩn trương nắm bắt tình hình, đề giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng để rà soát, đánh giá mức độ gây hại của dịch, xây dựng kịch bản hành động và chương trình cụ thể; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng chính sách cũng đi sát với người dân, cho vay xóa đói, giảm nghèo…
Tuy nhiên, để tạo sự đồng nhất, có đà bứt phá, đưa nền kinh tế phát triển bền vững, cùng với thực hiện “không để ai ở lại phía sau”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, “cần có chủ trương không để tỉnh nào ở lại phía sau”.
Về những kiến nghị cụ thể, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương kiến nghị, cần tập trung thực hiện giải pháp phòng, chống ngăn chặn nạn phá rừng hiện nay. Tình trạng phá đất lâm nghiệp diễn ra mọi lúc, ở nhiều nơi rất nghiêm trọng và có dấu hiệu một số sai phạm được che chắn, bảo kê. Phần lớn vi phạm có báo chí ở xa phát hiện, lên tiếng cảnh báo, còn cơ quan quản lý ở gần không nhận thấy và không phát hiện xử lý.
Trong tình trạng dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều lao động mất việc, thất nghiệp; nguồn thu quốc gia giảm nghiêm trọng; tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Dẫu rằng, Đảng đã có nghị quyết chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Thủ tướng gặp mặt, đối thoại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và đề cập đến tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bắt nạt, nhưng sau Thủ tướng vẫn có một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng trong thực hiện tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Không ít doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, khai thác khoáng sản xuất khẩu nhưng đề xuất, kiến nghị xin cấp phép xuất khẩu chưa được quan tâm giải quyết. Trong đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn vay vốn ngân hàng hàng nghìn tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, đầu tư công nghệ phục vụ cho sản xuất, nhưng hàng hóa xuất khẩu không được xuất khẩu, tồn đọng trong kho quá lớn.
Vốn liếng doanh nghiệp tồn đọng, nguy cơ phá sản, Nhà nước không có cơ hội thu ngân sách. Không ít doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời và một số dự án khác vay vốn xây dựng kế hoạch đầu tư, có doanh nghiệp đã hoàn thành từ năm 2019, nhưng do vướng mắc của Luật Quy hoạch, dù đã có Nghị quyết của Quốc hội hướng dẫn thực hiện luật thì vẫn bị chậm, ngừng thực hiện.
Trong khi đó, nguồn điện quốc gia thiếu, các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, các địa phương không hoàn thành mục tiêu kế hoạch nhiệm vụ trong nhiệm kỳ, nguồn thu ngân sách của quốc gia, địa phương hụt thu. “Đoàn đại biểu Quốc hội đã có kiến nghị về việc này nhưng thực hiện khắc phục còn chậm”- ĐB Nguyễn Ngọc Phương chỉ ra và đề nghị Chính phủ “cần chỉ đạo xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia và tỉnh”.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, “việc phòng, chống tham nhũng đang được làm tốt, nhưng phòng, chống lãng phí chưa tốt. Đặc biệt, với doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần phá sản cần kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào gây cản trở, khó khăn kiến doanh nghiệp phá sản, để tập trung xử lý”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành không chỉ đồng hành thực hiện mục tiêu “không để ai ở lại phía sau” mà còn thực hiện mục tiêu “không để tỉnh nào ở lại phía sau”. Các thành phố có cơ hội phát triển kinh tế, còn có nghị quyết, chế độ thực hiện mục tiêu riêng, có cơ hội thu hút vốn đầu tư.
Song, tỉnh nào đã khó khăn lại càng khó khăn trong thu hút đầu tư, đặc biệt là vốn FDI. Khó khăn hơn cả là nhiều tỉnh xuất phát điểm thấp, quy mô nhỏ, tốc độ phát triển không cao, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thiếu đồng bộ, vị trí địa lý xa các trung tâm kinh tế lớn, điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thậm chí có nguy cơ rủi ro không có khả năng cạnh tranh, nguồn nhân lực có tay nghề hạn chế.
“Để không có tỉnh nào ở lại phía sau, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cần có sự quan tâm, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển kinh tế - xã hội; tao cơ hội quảng bá hình ảnh thu hút đầu tư…”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần