* Gửi phiếu xin ý kiến đại biểu về những nội dung quan trọng còn có ý kiến khác nhau
Tài sản gắn liền với đất phải “trưng mua”
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu. Trong khi đó, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản không có quy định Nhà nước trưng mua nhà và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân khi thu hồi. Vì vậy, không thể thực hiện "trưng mua" thay cho "thu hồi" đất.
Tuy nhiên, theo ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), quyền sử dụng đất là quyền được pháp luật bảo hộ, do đó lúc thu hồi, Nhà nước phải trưng mua quyền sử dụng đất. Chủ đầu tư dự án, Nhà nước và người dân đều là các chủ thể liên quan, nên đều phải được đối xử công bằng. Đồng thời, cần làm rõ việc thu hồi tài sản gắn liền với đất liệu có vi hiến hay không, bởi đây là tài sản riêng.
Đồng quan điểm này, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, Dự thảo Luật đã "bỏ quên" vấn đề này. ĐB Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thu hồi đất là lĩnh vực xảy ra nhiều sai phạm, tranh chấp. Vì vậy, khi thu hồi đất phải có quyết định thu hồi riêng với tài sản trên đất, nhằm tránh gây bức xúc cho người dân. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng), trước khi cưỡng chế thu hồi đất, lãnh đạo địa phương phải tổ chức đối thoại công khai với người dân, vấn đề gì chưa thỏa đáng phải xử lý lại cho đúng. Cùng với đó, phải lưu ý đến việc nhiều dự án đất công bố quy hoạch nhưng thực hiện cầm chừng, quy hoạch treo, không cho dân xây dựng, sản xuất, lợi ít hại nhiều, nhưng không ai bị kiểm điểm, xử lý… trong khi quy định điều chỉnh trong Dự thảo Luật lại chưa đủ mạnh.
ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Nguyễn Thanh Thụy (đoàn Bình Định) đề xuất: Đối với các trường hợp thu hồi đất có nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Nhà nước phải trưng mua. Bởi đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của tổ chức và cá nhân, Nhà nước không thể thu hồi, lại càng không thể coi đây là việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là hệ quả của quyết định thu hồi đất. Theo ĐB Đinh Xuân Thảo (đoàn Hà Nội): Đây là tài sản của người dân, nên phải tính toán một cách cụ thể trong cách xử lý. Đồng thời, nên bổ sung quy định này vào Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.
Dự án kinh tế - xã hộ dễ phát sinh lãng phí đất
"Điều 73 có quy định sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phù hợp và đảm bảo dân chủ, khách quan. Tuy nhiên, cần quy định cơ chế, cách thức để người dân tham gia, tránh tình trạng nhiều chủ sử dụng đất đòi hỏi về giá hoặc yêu cầu phi lý dẫn đến chậm tiến độ dự án". ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) |
Dự thảo Luật chỉnh lý, việc thu hồi đất phục vụ các dự án kinh tế - xã hội đã "gói gọn" hơn ở các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư hoặc HĐND cấp tỉnh thông qua… Điều kiện thu hồi cũng được bổ sung, chỉnh lý rõ hơn nhưng, khi thảo luận, nhiều ĐBQH vẫn băn khoăn và đề nghị Quốc hội xem xét lại vấn đề này, đặc biệt là với các dự án do chính quyền địa phương quyết định.
ĐB Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) lo ngại: Thực tế trong thời gian qua, các cấp chính quyền lợi dụng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với quy hoạch đất, thực hiện điều chỉnh quy hoạch đất đai, ra quyết định thu hồi đất của người dân giao cho nhà đầu tư tư nhân thực hiện các dự án tràn lan, gây lãng phí đất đai. "Tôi đề nghị vấn đề này Quốc hội, UBTVQH nên lấy phiếu xung quanh dự án phát triển kinh tế do địa phương quyết định". ĐB Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cũng đồng tình, các dự án phát triển kinh tế - xã hội cần phải có sự cân nhắc, bởi vì rất nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian qua điều này tạo ra nhiều thiệt thòi cho người dân và tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển và ở đây có nhóm lợi ích được hưởng.
Định giá đất, tránh “vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định mới với trường hợp chậm chi trả do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra, ngoài tiền bồi thường, các khoản hỗ trợ theo quy định, người có đất khi Nhà nước thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng với mức phạt chậm nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp nếu do người có đất không nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt thì số tiền này được gửi vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước. |
Một điểm mới được tiếp thu vào Dự thảo Luật là thời điểm tính tiền sử dụng đất là thời điểm có quyết định giao đất; thời điểm xác định giá bồi thường trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất là thời điểm có quyết định thu hồi. Đồng thời bổ sung nguyên tắc, giá đất bồi thường phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng đất thành công hoặc phù hợp với thu nhập từ việc sử dụng đất đối với trường hợp xác định được thu nhập.
Tuy những chỉnh lý này được coi là tiến bộ, nhưng nhiều ĐBQH nhận định, đây vẫn là một điểm nghẽn, thể hiện sự lúng túng của cơ quan soạn thảo, không có bước đột phá căn bản. Các quy định về giá đất vẫn nghiêng nhiều về bảo vệ quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu trong việc áp đặt giá đất. ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đặt vấn đề, giá đất bồi thường cho người dân phải đảm bảo hài hòa, không thể để xảy ra tình trạng người dân được Nhà nước đền bù một giá nhưng doanh nghiệp sử dụng đất thu hồi thu lợi chênh đến cả trăm lần. Đồng thời, phải có cơ quan định giá đất độc lập, tránh tình trạng những cơ quan thu hồi định giá kiêm nhiệm kiểu "vừa đá bóng, vừa thổi còi".
Một số ĐB đề nghị, tổ chức đấu giá công khai các dự án và khắc phục ngay trong Luật tình trạng bị thu hồi đất nhưng tiền bồi thường không đủ để mua nhà ở mới tại khu tái định cư, không đủ mua lại diện tích đất nông nghiệp tương tự hoặc không đủ để chuyển nghề.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý Dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH. Đối với những vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến đến từng ĐB.
Theo dự kiến chương trình, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 21/6 và có hiệu lực từ ngày 1/10/2013 để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng (vào ngày 15/10/2013).