Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần có công ước quốc tế về internet

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU 132), Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế đã tiến hành các phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”.

Tại các phiên thảo luận, hầu hết các đại biểu tham dự thống nhất thuật ngữ “chiến tranh mạng” được định nghĩa là cuộc chiến tiến hành trong không gian mạng, chủ yếu gồm những hoạt động quân sự trong hệ thống mạng và máy tính để tấn công một kẻ thù. Ông José Carlos Mahía, đoàn Uruguay – đồng Báo cáo viên của Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế nhấn mạnh, chiến tranh mạng là một vấn đề cấp bách nhưng những gì chúng ta biết về cuộc chiến này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Trên thực tế, trong những năm gần đây, tất cả các cuộc xung đột hay đối đầu về chính trị, kinh tế, quân sự đều có sự tham gia của các yếu tố liên quan đến chiến tranh mạng.

Nhấn mạnh các vụ tấn công mạng là mối đe dọa lớn đối với thế giới, ông Alberto Bentacourt - đoàn đại biểu Cuba cho rằng, thách thức an ninh phi truyền thống này đòi hỏi sự đoàn kết của các nước ở nhiều cấp độ từ Nghị viện đến Chính phủ. Cùng chung quan điểm này, ông Vũ Xuân Hồng - đại diện của Việt Nam khuyến nghị Liên Hợp quốc cần khẩn trương xây dựng Công ước quốc tế về internet để bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng. Đại diện Việt Nam cho rằng, việc thu thập thông tin tình báo vì mục đích gây bất ổn kinh tế, chính trị và xã hội là một trong những vấn đề có thể dẫn tới chiến tranh mạng; hành động lợi dụng công nghệ thông tin để gây bất ổn thế giới vi phạm quyền con người cần được bổ sung vào Dự thảo Nghị quyết. Trong phiên thảo luận trước đó, đề xuất các quốc gia có thể phối hợp thành lập nhóm chuyên gia ứng cứu an ninh mạng khi sự cố xảy ra của đoàn Việt Nam đã được các đại biểu đánh giá cao.

Dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới” sẽ được thông qua vào hôm nay (31/3), góp phần cung cấp khả năng đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể có thể được thực hiện trong tương lai gần.