Nhiều ý kiến thể hiện sự quan ngại về tình trạng nợ công tăng cao trong khi nhiều dự án đầu tư lãng phí, gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Phải rõ địa chỉ đầu tư dàn trải
Lần đầu tiên Chính phủ có một kế hoạch đầu tư công trung hạn chi tiết được trình ra Quốc hội. Trong đó thể hiện mục tiêu tập trung vào các dự án trọng điểm, cấp bách, có tiềm năng phát triển, mang lại lợi ích lớn cho quốc gia. Mục tiêu này được các ĐB tán thành, nhưng có ý kiến vẫn đưa ra nhiều băn khoăn quanh kế hoạch quan trọng này.
Đưa ra nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về đầu tư công trong giai đoạn vừa qua cho thấy: Hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; bố trí vốn dàn trải…, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng: Đây là những đánh giá thẳng thắn, "nhìn thẳng vào sự thật", dù vậy vẫn chưa đầy đủ. Theo ĐB, cần phải chỉ ra được những dự án nào thua lỗ, dự án nào cần xem xét, kiểm tra, truy tố chưa được nói đến. Vì nếu không làm cụ thể như thế sẽ không truy đến cùng trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xử lý, từ đó “mới hy vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư, chống được tham nhũng, lãng phí”.
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ), phải cân nhắc việc thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn vì hàng loạt bất cập. Đó là tài liệu gửi muộn cho các ĐB, sau khi ĐB đã thảo luận tổ về vấn đề này, tài liệu hàng trăm trang không có thuyết minh, thiếu ưu tiên và trọng tâm, trọng điểm… Còn theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), báo cáo của Chính phủ nhận định đầu tư công còn dàn trải, phân tán và đây là điều các ĐB Quốc hội các kỳ trước nêu, nhưng đến nay chưa khắc phục được. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu đầu tư tập trung, công khai, minh bạch, ưu tiên các công trình cấp bách… Đồng ý cao về các mục tiêu này của Chính phủ nhưng theo ĐB, việc phân bổ vốn đầu tư 5 năm tới chưa bám sát quan điểm đầu tư nêu. Cụ thể, nhiều dự án xác định cấp bách trọng điểm nhưng chưa đưa vào để đầu tư như ứng phó biến đổi khí hậu ở Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long.
Góp ý cho giai đoạn tới, ĐB Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, trong giai đoạn 2016 - 2020, cần thanh toán nợ đọng, tập trung bố trí vốn để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia, trọng điểm để phát triển đất nước, tạo sự lan tỏa đối với các vùng xung quanh. ĐB Trần Văn Quý (đoàn Hưng Yên) cũng nhấn mạnh, nên tập trung ưu tiên dự án đang đầu tư, dự án mới cần hết sức cân nhắc. Trong đó, quan tâm dự án có tính liên kết vùng, tỉnh, thành, quốc lộ lớn… Để phát huy hiệu quả vốn đầu tư, ĐB Quý đề nghị trao trách nhiệm sử dụng, trả nợ vốn ODA cho địa phương, tránh áp lực trả nợ của T.Ư. Điều này sẽ khiến cho các địa phương có trách nhiệm hơn trong trả nợ.
Lo nguy cơ nợ công vượt ngưỡng
Chia sẻ vấn đề ngân sách Nhà nước, ĐB Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) lo lắng khi nợ công đã lên đến 64,98%, gần mức trần 65% mà Quốc hội đưa ra; nợ Chính phủ 53,1% GDP, trong khi ngưỡng cho phép là 50%. Trong khi đó, chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, dự báo chi trả nợ sẽ tăng cao hơn giai đoạn tới. Trong trường hợp nếu mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay không đạt sẽ gây khó khăn đến áp lực trả nợ, nguy cơ mất an toàn cho tài chính công có thể xảy ra, nghĩa vụ trả nợ, đảo nợ gây áp lực lên nghĩa vụ ngân sách càng tăng lên. ĐB cũng chỉ ra nhiều sai lầm ở việc sử dụng nguồn vốn vay trong thời gian vừa qua. Đây là lý do khiến hiện tại phải tăng vay để đảo nợ, vay năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời cảnh báo, nếu tiếp tục đầu tư lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước như thời gian qua sẽ không chỉ gây rủi ro cho cán cân tài chính ngân sách, rủi ro nợ công mà còn góp phần gây nên sự bất ổn định vĩ mô. Vì vậy, ĐB Tiến cho rằng: “Chính phủ cần phải có chiến lược vay, trả nợ rõ ràng, chi tiêu tiết kiệm, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý chi tiêu công”.
Nhấn mạnh “muốn điều trị bệnh thì phải tìm nguyên nhân gây bệnh”, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cho rằng: Chúng ta chi tăng cao trong nhiều năm, trong khi tăng trưởng không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, tốc độ bội chi tăng nhanh nên khó khăn trong việc trả nợ. Theo ĐB, nợ của DN nhà nước không có khả năng trả khiến Chính phủ phải trả làm ảnh hưởng đến phát triển của nền kinh tế, rồi nợ BHXH, BHYT, quản lý vốn vay kém hiệu quả. “Sử dụng ODA theo kiểu “cha chung không ai khóc” đã làm thất thoát nhiều, sử dụng không hiệu quả làm tăng nợ công. Cho nên phải tái cơ cấu lại, và lựa chọn ngành lĩnh vực ít tiền nhưng lại mang lại hiệu quả cao” - ĐB nêu.
Nói về mục tiêu tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra là hơn 6,6 triệu tỷ đồng, tổng chi hơn 8 triệu tỷ đồng, GDP tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5 - 7%, nợ công dưới trần 65% GDP, bội chi dưới trần 3,9% GDP, ĐB Phạm Phú Quốc (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá “đây là những con số thể hiện sự quyết liệt trong vấn đề điều hành”. Tuy nhiên, trước bối cảnh biến động giá dầu và triển vọng kinh tế khó khăn, thu từ nhập khẩu thu hẹp, mục tiêu tăng thu là rất khó đạt được, chỉ có thể giảm chi. ĐB Quốc góp ý, Việt Nam cần tính toán nuôi dưỡng nguồn thu, tạo hành lang thông thoáng để các DN hoạt động, khuyến khích người dân bỏ vốn vào tham gia phát triển kinh tế. Cùng với đó, Chính phủ và chính quyền các cấp cần siết chi, tiết kiệm chi thường xuyên. Đồng thời phân cấp quản lý ngân sách hợp lý, tạo chủ động cho địa phương trong điều tiết ngân sách, tránh phụ thuộc vào ngân sách T.Ư. “Trong vay vốn ODA, cần tỉnh táo để tránh bẫy nợ nần, thu hút FDI phải theo định hướng chứ không thu hút tràn làn, để lại hậu quả môi trường rồi lại phải đi giải quyết” - ĐB đề xuất.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Vẫn ưu tiên các dự án trọng điểm và giao thông Giải trình trước Quốc hội về kế hoạch đầu tư 5 năm tới, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Để tăng quyền tự chủ thì Chính phủ đã đề xuất Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương tự quyết định danh mục. Trong dự kiến phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì dành tỷ trọng lớn cho ngành giao thông vận tải là nhằm thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó cũng dành một tỷ lệ vốn thích đáng để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng như các lĩnh vực khác như an ninh quốc phòng, nông nghiệp nông thôn, biến đổi khí hậu, khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, xây dựng bệnh viện, kiên cố hóa trường lớp học, di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Hiện nay nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn, trong khi ngân sách hạn hẹp. Do đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn, trước hết là ưu tiên bố trí đủ cho các công trình xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước... rồi mới đến các dự án chuyển tiếp. Sau khi bố trí đủ vốn cho các dự án này thì mới bố trí đến các dự án mới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Tái cơ cấu kỳ hạn, lãi suất của nợ công Thừa nhận thực trạng "nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đưa ra những con số phản ánh chính xác về thực tiễn nợ công trong suốt thời gian qua. Theo Bộ trưởng, tại thời điểm 2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP. Về quy mô, năm 2015, tổng nợ công khoảng 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010, gấp 7,6 lần năm 2005 và gấp 14,8 lần so với năm 2001. Tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011 - 2015 là 18,5%/năm, cao gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong thực hiện hàng năm, Việt Nam phải áp dụng phương án vay đảo nợ: Năm 2013 phải đảo nợ 47.000 tỷ đồng, chỉ một năm sau đó con số đảo nợ đã tăng lên mức 106.000 tỷ đồng và con số này năm 2015 đã là 125.000 tỷ đồng. Trong năm nay, 2016 dự kiến tiếp tục phải đảo nợ 95.000 tỷ đồng. Để khắc phục, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh đến việc phải hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, ngân sách; phải từng bước tái cơ cấu lại nợ công. Trong đó, thời gian tới sẽ đẩy mạnh phần vay trong nước và giảm vay nước ngoài. Hiện, cơ cấu vay nợ trong nước đang ở mức đã trên 57% và nợ nước ngoài còn 43%. Chính phủ cũng sẽ tái cơ cấu kỳ hạn, lãi suất của các khoản nợ công. Thời gian gần đây, công tác này đã được chú ý hơn nhiều so với trước. "Kỳ hạn vay đã kéo dài thêm gấp đôi, còn lãi suất giảm còn một nửa" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định kết quả bước đầu trong tái cơ cấu nợ công 2 năm gần đây. |