Lợi ích rõ rệt Vụ Xuân 2016, Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng mô hình áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa với quy mô 40ha. Mô hình được thực hiện tại 3 điểm là xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa; xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất; xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ với 2 giống Bắc thơm số 7 và Thiên ưu 8. Nhờ áp dụng đồng bộ các khâu dịch vụ CGH từ làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, thu hoạch nên các mô hình đều cho hiệu quả cao. Hạch toán kinh tế cho thấy, áp dụng CGHĐB giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 5,3 - 6,8 triệu đồng/ha; tăng lợi nhuận từ 8,2 - 9,7 triệu đồng/ha; năng suất lúa tăng từ 5 - 10% so với canh tác truyền thống.
Xã Thủy Xuân Tiên là điểm thực hiện mô hình áp dụng CGHĐB hiệu quả nhất khi năng suất lúa vụ Xuân 2016 đạt tới 65 tạ/ha. Ông Nguyễn Văn Hanh – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thủy Xuân Tiên chia sẻ, so với cấy tay, lúa cấy bằng máy cao hơn, bông dài hơn, ruộng lúa thông thoáng và ít sâu bệnh hơn. Đáng nói là các khâu dịch vụ CGHĐB đã giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 20 – 30%, góp phần thay đổi tập quán sản xuất cũ. "Trước đây, nông dân phải mất rất nhiều thời gian, công sức để làm đất, cấy lúa mà vẫn lo chậm thời vụ. Thế nhưng kể từ khi đưa máy móc vào sản xuất, nông dân đã vơi đi nỗi vất vả, có thêm thời gian để làm nhiều công việc khác" - ông Hanh chia sẻ. Thời điểm này, các HTX tham gia thực hiện mô hình CGHĐB đang tập trung thu hoạch dịch vụ cho nông dân bằng máy gặt đập liên hoàn KUBOTA với giá trung bình từ 130.000 - 150.000 đồng/sào. Vẫn cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa Không phủ nhận hiệu quả của mô hình áp dụng CGHĐB trong sản xuất lúa, song bài toán đặt ra cho TP, ngành nông nghiệp Thủ đô là phải có giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho HTX khi nhân rộng mô hình này. Ông Chu Văn Tráng – Chủ nhiệm HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Đức cho biết, mặc dù TP đã có cơ chế hỗ trợ 50% kinh phí mua máy nông nghiệp (không quá 75 triệu đồng) cho nông dân, HTX nhưng mức hỗ trợ này vẫn thấp so với giá trị của máy. Ví dụ một chiếc máy gặt đập liên hoàn có giá tới hơn 300 triệu đồng, như vậy HTX phải bỏ ra số tiền đối ứng mua máy khá lớn. Kinh phí mua máy lớn trong khi thời vụ ngắn (khoảng 7 – 10 ngày), khấu hao máy lớn là những nguyên nhân chủ yếu khiến các HTX chưa mặn mà đầu tư CGHĐB. Cùng với khó khăn về kinh phí, hiện nay, hầu hết các HTX đều "trắng" diện tích làm kho bãi tập kết máy nông nghiệp và sản xuất giá thể gieo mạ khay cung ứng cho nông dân. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, hệ thống thủy lợi nội đồng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến việc điều tiết nước đồng ruộng thiếu hợp lý. Do đó, để phát huy hơn nữa vai trò làm dịch vụ của HTX, TP, Sở NN&PTNT cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù về các loại máy nông nghiệp cho HTX. Đặc biệt là các loại máy có công suất lớn như máy sấy, máy xay xát, máy gieo mạ tự động. Đồng thời, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu làm dịch vụ nông nghiệp ngày một tốt hơn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc thẳng thắn nhìn nhận, trong thực hiện CGHĐB, Hà Nội còn 2 khâu yếu là mạ khay máy cấy và sấy thóc. Vì vậy, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ các HTX sản xuất giá thể (mạ khay) tập trung, phân phối đến từng hộ nông dân. Cũng trong năm 2016, Sở sẽ xây dựng thí điểm một số lò sấy thóc quy mô nhỏ để từng bước khép kín quy trình CGHĐB.
Sử dụng máy trong thu hoạch lúa tại huyện Ứng Hòa. |