Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp

Diệu Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng thì năm 2000 giảm xuống 34 người, năm 2012 là 9,3 người, đến năm 2015 chỉ có 8,13 người.

 Chiều 26/10, tại cuộc họp cung cấp thông tin định kỳ tháng 10 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đại diện cơ quan này bày tỏ quan điểm, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là cần thiết, góp phần đảm bảo cân đối quỹ BHXH. Thực chất đây là cách đưa chế độ hưu trở về bản chất – chế độ bảo hiểm tuổi già.

Theo ông Trần Đình Liệu – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm. Nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng thì năm 2000 giảm xuống 34 người, năm 2012 là 9,3 người, đến năm 2015 chỉ có 8,13 người. Trong khi số người hưởng BHXH một lần hàng năm lớn dẫn đến quỹ phải chi tiền sớm và mục đích an sinh xã hội lâu dài cho mọi người lao động chưa đạt được. Bên cạnh đó, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng lên 73. Thế nhưng, quy định tuổi nghỉ hưu của Việt Nam hiện nay là 60 đối với nam, 55 đối với nữ. Quy định độ tuổi này đã duy trì từ rất lâu và tương ứng với số năm hưởng lương hưu trung bình là 13 năm. Như vậy, thời gian hưởng lương hưu do tuổi thọ tăng đã kéo dài khoảng 20 năm (tăng thêm 7 năm) và thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu đang được giữ nguyên. Đây là điều khiến quỹ BHXH có nguy cơ mất cân đối sớm. “Như vậy, có thể việc điều chỉnh tuổi hưu để cân đối quỹ BHXH không phải để chúng ta hưởng bây giờ mà để con cháu ta hưởng sau này" - ông Liệu chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo BHXH Việt Nam, hiện nay đang có sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng của quỹ hưu trí. Cụ thể, tỷ lệ đóng là 22% tiền lương tháng, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Tỷ lệ hưởng lương hưu bình quân của nam là 2,5% cho một năm đóng, của nữ là 3% cho một năm đóng là quá cao so với bình quân các nước trên thế giới (chỉ là 1,7%). Quy định điều kiện hưởng BHXH một lần quá thuận lợi và mức hưởng tăng lên so với quy định cũ (kể từ năm 2014 được tăng từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH). Như vậy, với 2 lý do là tuổi thọ của người dân ngày càng tăng và sự mất cân đối giữa mức đóng và mức hưởng sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của quỹ BHXH trong dài hạn nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Trước những lý do đưa ra, ông Liệu cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trước mắt có thể thực hiện đối với một số nhóm đối tượng, sau đó mở rộng ra toàn bộ lực lượng lao động, theo hướng bảo đảm bình đẳng giới, phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, đặc điểm tâm sinh lý, điều kiện lao động, tận dụng nguồn lao động chất lượng cao nhưng cũng phải tính đến việc bố trí việc làm cho lao động trẻ. Đồng thời với quy định tăng tuổi nghỉ hưu cần bổ sung quy định: Khi đã đủ tuổi nghỉ hưu mà người lao động tiếp tục làm việc thì tiếp tục được đóng BHXH. Trong quá trình làm việc quá tuổi nếu người lao động dừng làm việc tại bất kỳ thời điểm nào thì đều được hưởng lương hưu mà không bị ràng buộc bởi điều kiện nào.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ, cần nghiên cứu, thiết kế một chính sách tăng tuổi nghỉ hưu cho một số nhóm nào đó ở ngành nghề nào đó để phát huy chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao thì điều đó có lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, và không nên đặt vấn đề nâng tuổi đó cho tất cả mọi lao động…“Chúng ta phải tính thời điểm, lộ trình, bước đi phù hợp để vừa giữ được chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo cơ hội cho lớp trẻ được đào tạo có cơ hội xây dựng phát triển đất nước” - ông Lợi nhấn mạnh.