Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căn cơ và bền vững

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm tài chính 2021 đã đi qua với nhiều bão tố. Con số hàng nghìn DN phá sản, tạm ngừng kinh doanh, giãn cách xã hội khiến nhiều hoạt động kinh tế ngưng trệ, thu nhập người dân giảm khiến sức cầu đi xuống và Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp… là những câu chuyện buồn trong nỗ lực phát triển kinh tế năm qua. Trong bức tranh với nhiều gam màu thiếu tươi sáng ấy, “túi tiền” quốc gia cũng chứng kiến không ít biến động.

Công chức Cục Thuế Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế  
Công chức Cục Thuế Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế  

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Để có được kết quả này, trước hết là nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức ngành tài chính.

Các cân đối lớn được bảo đảm, thu chủ động, chi tiết kiệm, “thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, các chỉ tiêu này đều có dư, năng lượng được bảo đảm, thị trường lao động phục hồi rất nhanh sau khi bị đứt gãy”. Trong đó, thu ngân sách cao hơn năm 2020 và tăng gần 180.000 tỷ đồng so với dự toán. Đặc biệt, chúng ta đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người sử dụng lao động, 42,8 triệu người lao động; xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Đáng chú ý, nhiều địa phương dù giữa tâm bão, vẫn hoàn thành mục tiêu được giao. Như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội- 2 đầu tàu của cả nước vẫn về đích, thậm chí Hà Nội còn vượt dự toán. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là sự nỗ lực đáng ghi nhận của các địa phương, của toàn hệ thống chính trị giữa tâm bão.

Tuy nhiên, trong niềm vui thu chi cân đối ấy, vẫn còn không ít những băn khoăn. Thu ngân sách tăng so với năm 2020 nhưng chưa cao, nhiều khoản thu chưa bền vững như tăng thu từ chứng khoán, bất động sản, dầu thô… Cụ thể, nguồn thu chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 18,6%GDP (vượt mục tiêu 15,5%GDP). Thu ngân sách T.Ư ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.

Áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng. Số DN tạm ngừng kinh doanh tăng 18% so với năm trước, DN gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Nợ thuế, trốn thuế có xu hướng tăng cũng là những khó khăn của công tác ngân sách năm 2022.

Vì thế, theo Thủ tướng, nhiệm vụ của ngành tài chính vẫn rất nặng nề, phân bổ thu chi thế nào cho hợp lý, khen thưởng, kỷ luật thế nào để khuyến khích các địa phương trong thu ngân sách, chính sách nào để phân bổ nguồn lực cho các địa phương một cách công bằng, minh bạch. Phải có chính sách khuyến khích thu, phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt.

Ngoài ra, ngành tài chính phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, “trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng”, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công theo hướng có thể tăng bội chi để phục hồi và phát triển kinh tế nhưng bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không vung tay quá trán cũng không quá thận trọng. Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, khi nào khó khăn thì nhà nước chia sẻ, giảm thuế, giảm phí cho DN, khi thuận lợi thì DN phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ. Điều này là cần thiết giúp ngân sách có sự căn cơ, hỗ trợ bền vững cho phát triển.