Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căn cứ nào xác định thành viên hộ gia đình?

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định hộ gia đình có bao nhiêu người, là những ai, căn cứ vào đâu là một trong những vướng mắc rất lớn khi ký kết các hợp đồng thế chấp.

Dự thảo Nghị định quy định các biện pháp thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm (dự thảo Nghị định) do Bộ Tư pháp đang xây dựng sẽ tháo gỡ các vấn đề này. 
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã cá thể hóa hộ gia đình, tuy nhiên, vấn đề ai là thành viên của hộ gia đình để xác định thành viên tham gia ký kết hoặc ủy quyền đại diện cho hộ gia đình ký kết hợp đồng thế chấp thì lại chưa được quy định rõ, trong khi tiêu chí xác định thành viên hộ gia đình theo quy định của khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 rất khó xác định.

Luật sư tại Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (phải) tư vấn pháp luật cho người dân huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Nhằm giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến xác định thành viên hộ gia đình, dự thảo Nghị định đã đưa ra tiêu chí xác định thành viên hộ gia đình làm cơ sở trong việc xác định thành viên của hộ. Theo dự thảo Nghị định: “Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền với đất mà giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ người sử dụng đất là hộ gia đình thì người có tên trên GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc người được ủy quyền ký kết hợp đồng thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất nếu có sự đồng ý bằng văn bản của các thành viên hộ gia đình. Hợp đồng thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất do người có tên trên GCN quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc người được ủy quyền xác lập, thực hiện mà có sự đồng ý bằng văn bản của các thành viên hộ gia đình làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình”.
Theo khoản 2 Điều 18 dự thảo Nghị định: “Thành viên hộ gia đình có QSDĐ chung trong trường hợp quy định tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 được xác định là thành viên đang sống chung trong hộ gia đình và có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng (trong trường hợp nhận nuôi con nuôi) với chủ hộ tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển QSDĐ hoặc cấp GCN QSDĐ”.
 Dự thảo Nghị định quy định về các giấy tờ làm căn cứ xác định thành viên hộ gia đình cũng như cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về hộ gia đình. Đó là: Trường hợp trong quyết định giao đất, văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận QSDĐ, Hợp đồng cho thuê đất, Sổ địa chính ghi đầy đủ thông tin về các thành viên hộ gia đình tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển QSDĐ cho hộ gia đình thì Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất, tài sản gắn liền với đất có thẩm quyền cung cấp thông tin về thành viên hộ gia đình có QSDĐ chung với chủ hộ.
Trường hợp các giấy tờ nói trên không ghi hoặc ghi không đầy đủ thông tin về các thành viên trong gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với chủ hộ thì khi thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp QSDĐ, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, công chứng viên thực hiện việc xác định thành viên hộ gia đình có QSDĐ chung với chủ hộ dựa trên các giấy tờ sau đây do người yêu cầu công chứng cung cấp: GCN đăng ký kết hôn hoặc Giấy khai sinh hoặc Quyết định nuôi con nuôi trong trường hợp xác định thành viên hộ gia đình có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng với chủ hộ tại thời điểm hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển QSDĐ hoặc cấp GCN QSDĐ;
Văn bản xác nhận quan hệ sống chung của thành viên hộ gia đình với chủ hộ tại thời điểm hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ; nhận chuyển QSDĐ hoặc cấp GCN QSDĐ do UBND xã, phường, thị trấn cấp. Thành viên hộ gia đình sống chung là những người có tên trong sổ hộ khẩu và những người không có tên trong sổ hộ khẩu nhưng đang sống cùng chủ hộ tại thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ hoặc cấp GCN QSDĐ; Quyết định giao đất, cho thuê đất, công nhận QSDĐ hoặc GCN QSDĐ cấp cho hộ gia đình.
Các hướng dẫn nêu trên hy vọng khi có hiệu lực sẽ tháo gỡ vướng mắc khó khăn trên thực tế.